Nhiều bạn hiện nay khi ra trường không chấp nhận làm thuê ở các doanh nghiệp, nhiều thủ khoa của một số trường đại học danh tiếng Hà Nội cũng không thích vào cơ quan Nhà nước dù UBND TP Hà Nội có chính sách ưu đãi, mà lựa chọn một sự vào đời mạo hiểm hơn – thành lập công ty và làm giám đốc.
Đây là một xu hướng mới đang thịnh hành trong giới trẻ. Nhiều bạn trẻ ngay trên giảng đường đại học đã tự tìm hiểu, thích sáng tạo, thông qua các diễn đàn đã biết xác lập cho mình một hướng đi; một số bạn kết hợp vừa học vừa làm ăn, có tư duy và ấp ủ nhiều tham vọng. Song qua các diễn đàn, hầu như các bạn trẻ chỉ học hỏi kinh nghiệm từ những lời kể chứ chưa thực sự là người trong cuộc.
Thêm nữa, do tâm lý mong được “vẫy vùng” để khẳng định mình nên đa số bạn trẻ không lường trước nhiều chông gai đang chờ đợi. Bạn Dương Hồng Liên, sinh viên ĐH Luật Hà Nội ra trường vay vốn của gia đình mở một công ty kinh doanh viễn thông. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, đã bị các bạn hàng ép giá, bán hàng kém chất lượng nên 2 năm sau, đành “giữa đường đứt gánh”.
Hoàng Hải Đăng, sinh viên ĐH Thương mại được gia đình đầu tư mở một công ty kinh doanh về thiết bị vật liệu xây dựng. Vốn có, các mối hàng từ các từ các tỉnh về đều là người trong… gia đình nhưng lại thiếu kinh nghiệm kinh doanh nên dù bỏ rất nhiều chi phí quảng cáo, tiếp thị, thị trường vẫn không mở rộng được, khách hàng không quan tâm đến các mặt hàng Đăng kinh doanh.
Nguyễn Long Giang, sinh viên trường Đại học Công nghiệp khoa CNTT cho biết: Rất nhiều người thân lo lắng tôi còn quá non kinh nghiệm khi mở doanh nghiệp chuyên PR về thương hiệu hàng hóa trên mạng, khởi đầu thì dễ song duy trì và trụ vững được trước sự cạnh tranh quyết liệt, không đơn giản.
Thời gian đầu đúng còn nhiều bỡ ngỡ, có vấp váp và cả thất bại khi buộc phải chấp nhận cuộc chơi mà trong đó “cá lớn nuốt cá bé”. Nếu bản thân không biết kiên trì, không biết học hỏi để phát huy khả năng tư duy, tích lũy kinh nghiệm, thấy bại đã buông, sẽ không bao giờ thành công. Nguyễn Trịnh Khánh Linh làm giám đốc điều hành Công ty I.M.A.C khi mới 25 tuổi và 27 tuổi trở thành đại diện cho thương hiệu Dale Carnegie Training (Tổ chức đào tạo và phát triển của Mỹ) tại Việt Nam.
Theo Linh, ngoài kiến thức không thể thiếu là ngoại ngữ và tin học, bạn cần học thêm quản lý doanh nghiệp và quan hệ công chúng để có nền tảng, cách thức xây dựng chiến lược kinh doanh. Có như vậy bạn mới phát huy được ý tưởng và biết cách biến ý tưởng đó thành hiện thực. Một điều không thể thiếu nữa ở một giám đốc trẻ là bạn phải có những đồng nghiệp, những chuyên gia cố vấn giỏi giúp bạn đủ tự tin trong các hoạt động kinh doanh.
Nguyễn Văn Hòa, 22 tuổi, vừa đi học ở Hanoi – Aptech vừa thành lập Công ty Giải pháp CNTT Halo chuyên khắc phục các sự cố máy tính và đưa ra các giải pháp phần mềm ứng dụng. Hòa cho rằng, làm giám đốc phải biết lãnh đạo, biết lắng nghe, sống hết mình cùng các thành viên trong công ty, biết hợp sức lại, cùng nhau đề xuất ý tưởng.
Ông Nguyễn Tử Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn kinh tế thanh niên cho rằng: “Sinh viên mới tốt nghiệp bao giờ hoài bão, sự tự tin cũng có thừa. Tuy nhiên, nếu chỉ có ý tưởng và lòng đam mê kinh doanh không thôi, chưa đủ. Làm ăn cần có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, vốn sống thực tế, đặc biệt là quan hệ đối tác. Vì thế nên bình tĩnh, tỉnh táo, nếu thấy mình còn khuyết nhiều thứ thì tốt nhất là nên làm thuê trước đã rồi hãy làm giám đốc”.
Để lại một bình luận