Bạn có đủ năng lực, kinh nghiệm và lòng yêu nghề. Bạn từng được mời phỏng vấn nhiều lần và được hứa hẹn tuyển dụng. Nhưng việc làm không đến với bạn, không phải vì bạn đánh mất nó, mà chính là vì nhà tuyển dụng. Họ thiếu thiện chí cộng tác, có thái độ phớt lờ kết quả phỏng vấn
Có nhiều lý do khiến ứng viên không tìm được việc làm sau khi tham dự một hoặc rất nhiều cuộc phỏng vấn tại công ty. Những nguyên nhân chủ yếu được phân tích, mổ xẻ để người tìm việc rút kinh nghiệm và trang bị thêm cho các lần phỏng vấn sau thường là: Phải tỏ rõ thái độ lịch sự, nhã nhặn khi giao tiếp; trang phục phù hợp hơn; thể hiện sự say mê của bạn đối với công việc đang theo đuổi hoặc nói về kinh nghiệm công việc của bạn…
Tuy nhiên, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng, ảnh hưởng, thậm chí quyết định, cơ hội việc làm của ứng viên: Đó là sự phớt lờ và thái độ kém thiện chí của nhà tuyển dụng đối với ứng viên. Các chuyên gia kinh tế – xã hội học nước ngoài đã có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.
80% ứng viên có những cuộc phỏng vấn không ra gì
McConville trước đây là trưởng phòng phát triển nhân lực của một công ty đa quốc gia. Sau khi nghỉ việc, cô được mời phỏng vấn tại Công ty Global Payment Inc., và được bố trí vào làm việc ở bộ phận phát triển nhân lực. Người tuyển dụng hứa hẹn McConville sẽ bắt đầu công việc trong tuần tới. “Họ giao cho tôi một công việc như mơ, tôi là ứng viên sáng giá, họ rất cần đến tôi”. McConville phấn khởi phát biểu như thế.
Thế nhưng, hai tuần sau khi phỏng vấn, McConville không nhận được bất cứ một lời hồi âm nào từ phía công ty cả. Cô kể lại: “Khi nghe nhà tuyển dụng cho biết rằng công việc của tôi không thể tiến hành được, lòng tôi như thắt lại. Tôi đã cố gắng thật nhiều để có việc làm, rồi bỗng nhiên trắng tay. Thật nghiệt ngã!”.
Nhiều người tìm việc và những chuyên gia về việc làm cho biết trường hợp như McConville không hiếm trong thế giới việc làm hiện nay. Wendy Tarzian, một chuyên gia “săn đầu người” ở Chicago, đã tiến hành một cuộc khảo sát trên những người đi tìm việc. Kết quả cho thấy: 80% người được khảo sát cho biết đã từng trải qua một cuộc phỏng vấn “chẳng ra gì” trên con đường tìm việc của mình.
“Sống chung” với sự phớt lờ
Qua nhiều kết quả phân tích, đánh giá và khảo sát các trường hợp người tìm việc bị nhà tuyển dụng từ chối cho thấy, để từ chối ước vọng tìm việc của ứng viên, nhà tuyển dụng có nhiều cách “đánh trống lảng”.
Tom Beeson, Giám đốc nhân sự của Công ty Aeon Intercultural (Mỹ), nói lên quan điểm của mình: “Ngày nay, có càng nhiều ứng viên giỏi đi săn việc. Các giám đốc nhân sự thực tình không muốn bỏ qua cơ hội thuê mướn họ, nhưng cư xử với họ như thế quả là tàn nhẫn”.
Mục đích cuối cùng của ứng viên là có được việc làm. Tương tự, nhà tuyển dụng cũng muốn tìm kiếm nguồn chất xám hữu ích cho sự phát triển của doanh nghiệp. Lẽ ra, hai mục đích này phải “gặp nhau” với nhau để người lao động và doanh nghiệp cùng hỗ trợ phát triển. Thế nhưng, chính thái độ coi thường của nhà tuyển dụng đối với năng lực của ứng viên đã làm thui chột mong muốn đóng góp của họ, kìm hãm sự phấn đấu và hợp tác của họ với công ty.
Theo bà Suzy Wetlaufer, biên tập viên Tạp chí Kinh thương Harvard (HBR), hầu hết các nhà tuyển dụng nghĩ rằng họ nắm trong tay hy vọng, ước mơ của ứng viên và họ được quyền quyết định có biến chúng thành hiện thực hay không. Đó không phải là sự ác ý nhưng làm như vậy là cực kỳ sai lầm.
Tác hại của sự “phớt lờ” đối với xã hội
Lối xử sự của nhà tuyển dụng đối với ứng viên còn là biểu hiện xác thực của các mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng đến tên tuổi và khả năng tuyển dụng nhân viên cho công ty về sau này. Theo kết quả khảo sát của Tarzian, 84% người tham gia khảo sát cho biết lối xử sự kém thiện chí của nhà tuyển dụng hình thành trong ứng viên những suy nghĩ không tốt về doanh nghiệp.
Qua các nghiên cứu về quá trình đi tìm việc của ứng viên, Michael Aamodt, Giáo sư trợ giảng khoa tâm lý học Trường Đại học Radfort, bang Virginia – Mỹ, cho biết: “Đa phần các ứng viên không còn hứng thú tìm việc tại công ty đó nữa. Họ cũng thích kể lể với bạn bè về hành vi xem thường của công ty đối với họ”.
Nhìn chung, lối hành xử như trên của các nhà tuyển dụng bị xã hội lên án gay gắt bởi nó đi ngược lại mục đích của doanh nghiệp, làm phương hại đến quyền lợi thiết thực của người lao động. Có thể, các nhà tuyển dụng hoặc đã không muốn làm như vậy, hoàn toàn không có một ý định chủ quan của riêng mình, hoặc mắc chứng lơ đễnh, thiếu tập trung giải quyết công việc. Hậu quả là người lao động bị bỏ rơi, đánh mất cơ hội làm việc hết sức oan uổng.
Còn đối với người tìm việc, bà Marilyn Moats Kennedy, tác giả công trình nghiên cứu mang tên “Các chiến lược nghề nghiệp” của một công ty tư vấn ở Wilmette, Illinois, khuyên rằng: “Đừng quên lên án những công ty đã có thái độ coi thường năng lực của bạn, nhưng điều đó không mang lại hiệu quả cao nhất đâu. Người tìm việc cần phải sống chung với điều đó và đừng quá căng thẳng về nó”.
Ba dấu hiệu “phớt lờ” của nhà tuyển dụng”
– Nhà tuyển dụng báo cho người tìm việc biết rằng họ đã tuyển ứng viên khác rồi, sở dĩ cuộc phỏng vấn này vẫn được tiến hành là do yêu cầu của công ty.
– Nhà tuyển dụng thường đặt những câu hỏi “không đâu vào đâu”, đại loại như tình trạng hôn nhân của ứng viên, các kế hoạch cho thai nhi, tín ngưỡng tôn giáo và các quan điểm chính trị…
– Nhà tuyển dụng không đưa ra giải pháp nào đề cập đến việc làm và phớt lờ mọi nỗ lực của ứng viên, dù ứng viên đã được công ty gọi phỏng vấn nhiều lần.
Để lại một bình luận