Học nghề tập nghề, người lao động có được trả lương không?

Học nghề tập nghề, người lao động có được trả lương không?
0 Shares

Hiện nay, doanh nghiệp tuyển dụng người lao động trước khi ký hợp đồng lao động chính thức sẽ trải qua quá trình tập nghề, học nghề. Cụ thể trong vấn đề tuyển dụng học nghề, tập nghề đó, người lao động có được trả lương không?

1. Thế nào là học nghề, tập nghề? 

Học nghề, tập nghề là nội dung mới được quy định tại Bộ luật lao động năm 2019. Trước đây tại Bộ luật lao động năm 2012 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định cụ thể giải thích thế nào là học nghề, tập nghề. Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 quy định cụ thể về học nghề, tập nghề như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019, phân biệt rõ hai khái niệm thế nào là học nghề và tập nghề:

– Học nghề được hiểu là việc học kiến thức, kỹ năng nghề một cách bài bản, có người hướng dẫn, giáo cụ và chương trình, phương pháp riêng. Người sử dụng lao động tuyển người vào để tiến hành đào tạo nghề nghiệp tại chính nơi làm việc, người học nghề cơ bản là chưa có kỹ năng, kiến thức thực tế về nghề nghiệp.

Thời gian học nghề sẽ căn cứ trên chương trình đào tạo của từng trình độ được quy định trong Luật giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, tại Điều 33 Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014, sửa đổi bởi Luật giáo dục năm 2019 quy định thời gian đào tạo bao gồm:

+ Đối với trình độ sơ cấp: thời gian thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm học, trong đó đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học đảm bảo được thời gian học thực tối thiểu là 300 giờ.

+ Đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo. Cụ thể:

Đối với trình độ trung cấp theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ, thời gian đào tạo tính là  thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo.

Trường hợp người nào có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng: học và thi văn hóa trung học phổ thông đạt được đủ khối lượng.

+ Đối với trình độ cao đẳng theo niên chế:

Theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông: thời gian từ 2 năm đến 3 năm.

Theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông: thời gian học nghề từ 01 năm đến 02 năm.

Xem thêm  Thẩm quyền của chủ đầu tư về phê duyệt thiết kế xây dựng

+ Đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông thì đào tạo trình độ cao đẳng dựa trên phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ, thời gian đào tạo được tính là khoảng thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo.

– Tập nghề được hiểu là chỉ việc dạy thực hành nghề, mục tiêu là thực hành một cách thành thạo để phục vụ cho nghề nghiệp trong doanh nghiệp. Khác với người học nghề thì người tập nghề đã có kỹ năng, kiến thức về nghề nghiệp nhất định, và khi đó người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc.

Theo quy định của luật lao động thì thời gian tập nghề sẽ không quá 03 tháng. Doanh nghiệp nào thực hiện tuyển người tập nghề quá thời hạn 03 tháng sẽ bị xử phạt mức phạt từ 50 triệu đến 75 triệu đồng (theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP). 

2. Học nghề tập nghề, người lao động có được trả lương không?

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019, cụ thể là tại Điều 90, tiền lương được hiểu là số tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận nhằm mục đích thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Nguyên tắc chi trả lương người sử dụng lao động đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt giới tính với những người lao động làm việc có giá trị như nhau. 

Trong thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Khoản 5 Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019, người học nghề, tập nghề trực tiếp cũng như tham gia vào quá trình lao động làm việc sẽ được người sử dụng lao động trả lương. Mức lương sẽ dựa trên tinh thần thỏa thuận của cả hai giữa người sử dụng lao động và người học nghề, tập nghề. 

Do vậy, thực tế pháp luật không có quy định bắt buộc người nào vào công ty tham gia học nghề, tập nghề doanh nghiệp sẽ phải bắt buộc trả lương. Việc trả lương này chỉ áp dụng khi người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động, tức là có đóng công sức trong quá trình làm việc, tham gia vào các công việc, thậm chí có mang lại những kết quả lao động cho phía người sử dụng lao động. 

3. Người sử dụng lao động không trả tiền lương cho người học nghề, tập nghề bị xử phạt như thế nào? 

Theo căn cứ tại Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi người sử dụng lao động vi phạm không trả lương cho người học nghề, tập nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động. Cụ thể mức xử phạt như sau: 

– Đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động: mức xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. 

– Đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động: mức xử phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. 

 – Đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động: mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. 

Xem thêm  Mẫu giấy phép hoạt động thủy sản của tàu nước ngoài mới nhất

– Đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động: mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. 

– Đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên: mức phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. 

– Bên cạnh đó, người sử dụng lao động còn thực hiện khắc phục hậu quả bằng việc thực hiện chi trả lương cho người học nghề, người tập nghề.

4. Hợp đồng tham gia học nghề tập nghề bao gồm những nội dung gì? 

Về nguyên tắc, khi người sử dụng lao động tuyển dụng người vào học nghề tập nghề phải ký hợp đồng đào tạo nghề dựa trên quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp (quy định tại Khoản 3 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019). 

Theo đó, tại Điều 39 Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định hợp đồng đào tạo được giao kết thông qua hai hình thức là bằng lời nói hoặc bằng văn bản về quyền và nghĩa vụ giữa người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lớp đào tạo nghề, tổ chức, cá nhân với người học tham gia các chương trình đào tạo thường xuyên. 

Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Bộ luật lao động năm 2019 và Luật giáo dục việc làm năm 2014 quy định hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động và người học nghề, tập nghề bao gồm những nội dung sau:

– Tên nghề đào tạo.

– Nội dung nghề đào tạo. 

– Địa điểm đào tạo. 

– Thời gian hoàn thành khóa học. 

– Mức học phí và phương thức thanh toán học phí. 

– Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo. 

– Trách nhiệm của người sử dụng lao động. 

– Trách nhiệm của người lao động.

– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng.

– Thanh lý hợp đồng.

– Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì hợp đồng đào tạo ngoài những nội dung nêu trên còn có các nội dung sau:

– Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong.

– Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp.

– Thỏa thuận giữa hai bên về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo.

5. Đối tượng độ tuổi bao nhiều được tham gia học nghề, tập nghề: 

Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019, pháp luật quy định về độ tuổi của người học nghề, tập nghề như sau:

– Thứ nhất trong điều kiện làm việc bình thường, người lao động độ tuổi đáp ứng từ đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề.

– Thứ hai, trong môi trường làm việc những ngành nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành: độ tuổi phải đáp ứng từ 18 tuổi trở lên, ngoại trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.

Các văn bản pháp luật đươc sử dụng trong bài viết:

– Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

– Bộ luật lao động năm 2019.

– Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

– Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *