Vài năm lại đây, số lượng giáo viên dạy nghề trên địa bàn cả nước đã gia tăng, song vẫn chưa cải thiện được chất lượng đào tạo nghề. Nhiều giáo viên dạy tốt lý thuyết thì lại kém khi thực hành, ngược lại, người dạy thực hành tốt thì khả năng sư phạm khi giảng lý thuyết lại có vấn đề.
Theo tổng hợp của các bộ ngành, địa phương thì năm nay, tổng chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh các trình độ trung cấp và cao đẳng nghề là gần 312 nghìn người. Bao gồm 70 trường cao đẳng nghề, 200 trường trung cấp nghề và các trường đại học khác có dạy nghề.
Mức chỉ tiêu này tăng khá mạnh so với những năm trước, một phần do có thêm nhiều trường cao đẳng, đại học tham gia đào tạo cao đẳng nghề, phần khác do hầu hết các trường dạy nghề đã được nâng cấp thành trường trung cấp.
Số lượng giáo viên dạy nghề vì thế cũng phải tăng theo. Hiện nay có 4 trường đại học bao gồm: Đại học sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh; Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên; Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh và trường Đại học sư phạm kỹ thuật Nam Định.
Đào tạo tốt để cho ra “lò” những người thợ có tay nghề cao |
Ngoài ra, còn có một trường là Cao đẳng sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng đang được nâng cấp lên đại học; cộng thêm một số khoa sư phạm kỹ thuật của các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Thái Nguyên; Đại học Nông nghiệp I; Đại học Đà Nẵng…đang đào tạo giáo viên dạy nghề.
Nếu cuối năm 2005, cả nước có khoảng trên 11 nghìn giáo viên dạy nghề thì tính đến hết năm 2007 con số này đã là trên 20 nghìn người, đó là chưa kể hàng nghìn giáo viên trong các cơ sở khác có dạy nghề. Nếu tính ra, tỉ lệ học sinh học nghề dài hạn/giáo viên ở các trường trung cấp và cao đẳng nghề vào khoảng 25 học sinh/giáo viên.
Mất cân đối trong đào tạo nghề: Việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đã tạo ra quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường. Tuy nhiên các trường bắt đầu tập trung tuyển sinh những nghề phổ biến theo nhu cầu xã hội; một số nghề sản xuất kinh doanh đặc thù với điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại khu vực vùng sâu, vùng xa rất khó tuyển người dù nền kinh tế có nhu cầu. |
Tuy nhiên, theo Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH), dù số lượng giáo viên đã tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng với mức độ tăng của quy mô đào tạo. Kỹ năng dạy của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, nhất là ở khối các trường dạy nghề địa phương, các trường mới thành lập, các trường ngoài công lập và khối các trung tâm dạy nghề.
Số giáo viên có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tin học còn ít, gây ảnh hưởng nhất định tới việc khai thác tài liệu nước ngoài phục vụ cho giảng dạy. Bên cạnh đó việc giảng dạy theo chương trình khung, mới được ban hành cũng gây ra nhiều lúng túng.
Đội ngũ giáo viên dạy tích hợp (lý thuyết và thực hành xen kẽ ngay trong giờ giảng- P.V), dạy theo mô đun còn nhiều hạn chế, nhìn chung giáo viên đáp ứng được theo yêu cầu còn chưa nhiều. Giáo viên dạy được lý thuyết thì lại hạn chế về trình độ kỹ năng nghề trong khi dạy thực hành, giáo viên giảng dạy được thực hành thì khả năng sư phạm về giảng dạy lý thuyết lại có vấn đề.
Nguyên nhân chính vẫn là câu chuyện muôn thủa “chế độ, chính sách”: chưa đủ mạnh để thu hút và tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên dạy nghề tận tâm cống hiến, bên cạnh đó là cơ chế tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cũng bất cập. Chính sự thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành khi xây dựng và ban hành các quy định về chế độ, chính sách đối với giáo viên dạy nghề đã gây nên khó khăn trên.
Để lại một bình luận