Mỗi một lần thất bại là một lần nhận ra được một bài học quý giá trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn sẽ giải thích việc mình thất bại trong công việc trước như thế nào trong cuộc phỏng vấn sắp tới?
Dưới đây là những lời khuyên để bạn chiêm nghiệm:
Sự thay đổi về nhân sự
Nếu bạn cảm thấy rằng trong công việc trước bạn đã cống hiến hết mình, lý do bạn phải ra đi chỉ là do có sự thay đổi quản lý – bạn có một vị sếp mới. Bạn không thể hòa hợp được với vị sếp mới do có những quan điểm khác nhau, phương thức làm việc khác nhau. Trong trường hợp này hãy nói rõ lý do bạn bị mất việc – đừng quên đính kèm những địa chỉ liên lạc của những người đồng nghiệp, vị sếp tiền nhiệm trước đó để nhà tuyển dụng có thể kiểm tra thông tin bất cứ lúc nào.
Bạn có thể trình bày với nhà tuyển dụng rằng: “Tôi và người quản lý của tôi thật không may có cá tính cũng như phong cách làm việc và quản lý rất khác nhau. Tôi đã rất nỗ lực để tạo ra mối quan hệ tốt đẹp với vị sếp mới – tuy nhiên điều đó rất khó do có quá nhiều điểm khác. Tôi đã từng có mối quan hệ rất tốt đẹp với vị sếp trước đó và những người đồng nghiệp của mình. Ông có thể kiểm tra thông tin từ những người đồng nghiệp của tôi…”. Hãy nhớ rằng trong bất cứ trường hợp nào không nên nói xấu sếp cũ. Bạn sẽ lập tức có ấn tượng xấu nếu như lời giải thích quá đà theo hướng này. Hầu hết mọi người đều có một người quản lý khó tính và đôi khi không trùng hợp quan điểm với mình, nên lý do bạn đưa ra hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm được.
Thay đổi chiến lược
Giải thích ngắn gọn lý do bạn bị thôi việc là do có sự thay đổi chiến lược trong công ty và bạn hoàn toàn không đồng ý với chiến lược này. Trình bày rõ ràng và kỹ lưỡng hơn với người phỏng vấn rằng bạn học được những gì từ thực tế này. Chẳng hạn: “Sau khi hợp nhất, vị sếp mới của tôi đã có chiến lược thay đổi cho sự phát triển của công ty. Tôi không đồng ý hoàn toàn với chiến lược đó. Đó là lý do tôi rời bỏ khỏi công ty cũ. Nhìn lại, tôi thừa nhận rằng đáng nhẽ mình nên tìm hiểu kỹ lý do của sự thay đổi và tìm cách hỗ trợ …”. Đừng lên án, phê phán công ty cũ và cũng không nên tự tin quá khi cho rằng mọi kế hoạch, chiến lược mình đưa ra đều đúng đắn. Mọi chiến lược đều có thể thay đổi. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng mặc dù bạn đã mắc sai lầm trong công việc trước nhưng bạn đã rút ra được một bài học cho mình và sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi trong tương lai.
Thiếu kỹ năng
Bạn bị sa thải vì thiếu kỹ năng và bạn nhận ra rất rõ điều này. Đừng ngần ngại nói chuyện đó với nhà tuyển dụng. Chỉ có điều trước khi bước vào lần tìm việc tiếp theo hãy bổ sung những kỹ năng bạn đang thiếu ngay lập tức. Tham gia các lớp học về kỹ năng sử dụng máy tính và các thiết bị văn phòng, tham gia các khóa đào tạo, hội thảo tập huấn về kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng quản lý…Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã nỗ lực thế nào trong thời gian qua và bạn hoàn toàn có thể đáp ứng được công việc, mang lợi nhuận cho công ty. Đừng ngần ngại nói thật. Trên thực tế nhiều nhà tuyển dụng thích những nhân viên thành thật, không ngại học hỏi, trau dồi kiến thức.
Không phù hợp
Nếu bạn nhận được những lời nhận xét không được tích cực về công việc bạn đang làm, bạn nhất thiết phải tìm hiểu lý do tại sao. Trước tiên hãy can đảm tìm đến lời khuyên của người quản lý mình vì giờ đây bạn không còn mối quan hệ của bạn với sếp không còn là sếp và nhân viên nữa. Hãy tìm đến những người đồng nghiệp cũ của bạn, lắng nghe ý kiến chân thành của họ. Đừng bảo thủ hay ngại ngần. Hãy cởi mở bạn sẽ có được rất nhiều lời khuyên bổ ích.
Hãy chia sẻ điều đó với nhà phỏng vấn khi bạn tìm một công việc mới. Có thể từ những lời nhận xét của đồng nghiệp, từ những thất bại trước đó bạn nhận ra rằng mình không hợp với công việc kinh doanh, mà hợp với công việc hành chính hơn – công việc bạn đang dự tuyển. Đó là cách bạn nhấn mạnh với nhà tuyển dụng rằng: “Tôi không giấu dốt. Tôi nhận ra điều gì cần thiết để hoàn thiện bản thân”. Đó cũng là một trong những điều nhà tuyển dụng cần nhất từ nhân viên của mình.
Không trung thực và những việc làm xấu
Nếu nguyên nhân cho sự sa thải của bạn là những sự việc nghiêm trọng hơn như lạm dụng công quỹ, quấy rối tình dục, tiết lộ thông tin mật của công ty…bạn phải chấp nhận rằng những công ty mới sẽ từ chối bạn hoặc miễn cưỡng chấp nhận bạn. Dù rằng những lời giải thích đưa ra luôn phải trung thực, bạn cũng chỉ nên nói những gì cần nói, chia sẻ những bài học mình học được, tập trung vào những khía cạnh tích cực hơn như hiệu suất làm việc và thành tích của bản thân.
Những lưu ý:
Không nói dối
Bạn đang dùng những lý do khác để ngụy biện cho việc mình bị mất việc? Không nên! Hãy đối diện và thành thật. Sếp mới của bạn có thể dùng nhiều cách để kiểm chứng những lời nói của bạn. Ấn tượng về sự không thành thật có thể làm bạn mất đi nhiều cơ hội. Trong quá trình phỏng vấn, nếu sếp đề cập đến công việc trước đó của bạn và yêu cầu bạn giải thích lý do bạn thôi việc bên kia, hãy thật cởi mở về vấn đề này. Tóm tắt lại thật ngắn ngọn quá trình và thành quả làm được cũng như lý do bị sa thải ở công ty cũ. Thẳng thắn nhận lỗi sai (nếu thực sự bạn sai lầm), trao đổi về những bài học rút ra và những gì bạn sẽ cống hiến cho công ty mới trong thời gian tới.
Lựa chọn người liên hệ phù hợp
Lý tưởng nhất là vị sếp nơi bạn làm việc cũ sẵn sàng cung cấp những thông tin về bạn khi được hỏi. Với những đồng nghiệp khác hãy đảm bảo rằng họ có thể cung cấp những thông tin chính xác về bạn nhưng với quan điểm và thái độ tích cực. Con số tốt nhất cho những liên hệ tham khảo là khoảng 2 -3 người.
Để lại một bình luận