Đừng cố tỏ ra hoàn hảo trước mặt nhà tuyển dụng

Đừng cố tỏ ra hoàn hảo trước mặt nhà tuyển dụng
0 Shares

Đối diện với nhà tuyển dụng với hàng loạt câu hỏi không phải là một việc dễ dàng, nhất là khi thị trường lao động với hàng loạt ứng viên cùng ngấp nghé một vị trí.
Mỗi câu hỏi nhà tuyển dụng đưa ra đều có mục đích riêng, để đánh giá bạn với những gì chưa thể hiện hoặc chưa rõ qua hồ sơ xin việc. Nghiễm nhiên, sau khi đã nghiên cứu hàng loạt hồ sơ, nhà tuyển dụng đã có những câu hỏi riêng cho từng người. Tuy nhiên, theo các nhà tuyển dụng, đa số ứng viên đều tỏ ra lúng túng khi nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu của bản thân.

Với câu hỏi này, ứng viên phải hiểu rằng, nhà tuyển dụng muốn tìm sự khác biệt giữa bạn với hàng loạt ứng viên khác. Đưa ra một câu hỏi có vẻ như không thể trả lời là cách để xem ai suy nghĩ sáng tạo và có cách trả lời thú vị hơn.

Một số ứng viên tỏ ra cau có và thẳng thừng từ chối trả lời câu hỏi này vì họ cho rằng, đó là câu hỏi không có giá trị. Họ cho rằng, xuất hiện trước mặt nhà tuyển dụng, nghĩa là họ phải là những người hoàn hảo. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, nếu cứ cố tỏ ra mình hoàn hảo thì đó sẽ là sai lầm lớn nhất, có thể khiến bạn bị loại ngay khỏi vòng phỏng vấn.

Sau đây là một số gợi ý giúp bạn bớt lúng túng với các tình huống khó, khi nhà tuyển dụng muốn biết về mặt hạn chế của bạn:

Trung thực
“Bạn hãy nêu ba điểm mạnh và ba điểm hạn chế của bản thân”, đây là câu hỏi không mới nhưng lại không nhiều người biết cách trả lời. Theo Kenneth C. Wisnefski – người sáng lập và là CEO của WebiMax, một công ty tiếp thị trực tuyến: “Khi phỏng vấn, chúng tôi muốn nghe bạn thể hiện điểm mạnh của bản thân, với mục tiêu và sự cống hiến. Lúc này, cách tốt nhất là bạn nên dựa vào CV với những thành tích cá nhân đạt được để trình bày với nhà tuyển dụng”.

Xem thêm  Có nên ứng tuyển khi “dưới chuẩn” của nhà tuyển dụng?

Tương tự như vậy, điểm yếu cũng có thể tạo nên thế mạnh cho ứng viên. “Tôi thích nghe các ứng viên biết đặt nhược điểm của mình trong những tình huống thật mạnh. Ví dụ như, điểm yếu của tôi là có quá nhiều sáng kiến táo bạo và đôi khi tham lam, ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc”. Câu trả lời này đủ sức hấp dẫn nhà tuyển dụng bởi dù có nhiều sáng kiến, bạn vẫn thẳng thắn thừa nhận bạn không phải là người hoàn hảo. Nhiều khi lạm dụng thế mạnh quá cũng là một điểm yếu.

Đối diện với nhà tuyển dụng, tốt nhất là bạn nên thể hiện tính trung thưc, thẳng thắn. Đừng quá thổi phồng bản thân cũng đừng lo sợ nhà tuyển dụng chê mình. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ bản thân, biết được thế mạnh mà phát huy và những hạn chế để tìm cách khắc phục.

Gắn nhược điểm với hướng khắc phục
Khi xem xét những điểm yếu của bản thân, bạn hãy suy nghĩ cách để khắc phục chúng. Không có ai là hoàn hảo cả, vì vậy, bạn không cần phải giả vờ là bạn chỉ có một điểm yếu nho nhỏ rồi sau đó loại bỏ chúng hoàn toàn. Nhiều nhà tuyển dụng tỏ ra thích thú với câu trả lời thông qua ý kiến của người khác “Đồng nhiệp thường nhận xét về tôi rằng, tôi hay nghiêm trọng hóa vấn đề” hoặc “Có vẻ như tôi là người hơi nguyên tắc, không bao giờ chịu rời văn phòng trước 5 giờ. Nhưng tôi nghĩ, đó là do tình yêu đối với công việc”.

Xem thêm  Kim Shin Bae – "ông vua" mạng không dây Hàn Quốc

Ngoài những câu trả lời như thế, bạn có thể đưa ra những phản ứng khác hơn. Bạn có thể kể về những thách thức trong công việc và cuộc sống bạn từng gặp phải trong quá khứ “Nhiều khi tôi thấy thật khó khăn tìm sự cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Không thể phủ nhận là có khoảng thời gian tôi bị khủng hoảng nhưng tôi nhanh chóng dành thời gian tìm hiểu, học cách quản lý công việc hiệu quả hơn. Nhờ đó, tôi có nhiều thời gian dành cho gia đình cũng như duy trì tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe”.

Đặt mình vào vị trí của người phỏng vấn
Khi quyết định trả lời, bạn nên đặt mình vào vị trí của người phỏng vấn, bạn cứ tưởng tượng mình đang ngồi vào vị trí của người đối diện. Các chuyên gia cho rằng, đặt vào vị trí của nhà tuyển dụng, bạn sẽ hiểu được người ta có thể thông cảm điều gì, mong chờ gì ở ứng viên để từ đó biết cách trả lời cho phù hợp. Nếu hiểu đươc nhà tuyển dụng muốn gì, bạn dễ dàng định hướng cho bản thân trong từng câu trả lời .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *