Trong kinh Ưu Bà tắc giới đức Phật còn chỉ dạy chi tiết 16 điều cần ghi nhớ trong việc thuyết giảng Phật pháp:
1. Thuyết giảng tùy thời;
2. Thuyết giảng hết lòng;
3.Thuyết giảng theo thứ tự từ dễ đến khó, từ thấp đến cao;
4. Thuyết giảng một cách hòa hợp;
5. Thuyết giảng đúng theo nghĩa lý;
6. Thuyết giảng với tâm hoan hỷ;
7. Tùy ý thuyết giảng;
8. Không khinh thường thính chúng;
9. Không mắng chửi thính chúng;
10. Giảng đúng như pháp;
11. Nói pháp lợi mình và lợi người;
12. Nói pháp không tán loạn;
13. Nói pháp hợp nghĩa lý;
14. Nói chân chính;
15. Giảng pháp với tâm không kiêu mạn;
16. Giảng Phật pháp không cần người đền ơn
Điểm chánh yếu của người thuyết Pháp dạy đạo là phải “hợp tình hợp lý”
Vài điều cần cho một giảng sư:
Một là hãy dành thời gian học hỏi nghiên cứu Kinh Luật Luận, giáo lý Phật học cho thật chắc chắn vững vàng, chỗ nào chưa thông nên thưa hỏi các bậc tôn túc Hoà Thượng đi trước.
Hai là sống, tư duy chiêm nghiệm, tu tập thực hành nghiêm túc các kinh, các pháp, giáo lý đã học.
Nên giảng đúng những điều đức Phật đã dạy giúp người nghe có thể hiểu, thực hành đạt được an lạc, chuyển hóa khổ đau. Không nên giảng, suy diễn cá nhân theo trào lưu, xu thế.
Chỉ nên giảng những điều mà mình đã hiểu thấu đáo chắc chắn, đã thực hành có kết quả bớt khổ, an lạc. Không nên tùy tiện giảng những vấn đề mình còn mơ hồ không chắc chắn, không thuộc giáo lý Phật giáo.
Nên dùng thái độ khiêm cung, chân thật mà giảng giải Phật pháp, tránh khoe khoang, khoa trương tự cao tự đại.
Tránh đề cập đến chính trị, phê phán tôn giáo, tín ngưỡng ngoài Phật giáo.
Theo lời Phật dạy, trên đền bốn ơn, dưới cứu ba cõi mà tuyên dương Phật pháp. Chứ tuyệt không phải có tâm thể cầu danh, mong lợi, muốn nổi tiếng mà đi giảng Phật pháp
Những người chưa am tường Phật pháp, chưa tư duy chiêm nghiệm thấu đáo giáo lý, chưa sống, thực hành nghiêm túc giáo lý Phật giáo thì không phải là giảng sư, cũng không thể giảng Phật pháp được. Nếu đi giảng Phật pháp chỉ là có hại cho bản thân, hại cho mọi người và có hại cho Phật giáo.
Trích: “Nguyên tắc và phương pháp thực giải kinh điển Phật giáo” – TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích Nữ Thanh Quế.
Để lại một bình luận