Trong môi trường làm việc, hoàn tất tốt mọi công việc thuộc trách nhiệm của mình không thôi là chưa đủ để bạn có thể được đề bạt và thăng tiến nhanh chóng.
Muốn khả năng của mình được các sếp nhận biết, chú ý, và đề bạt – bạn cần phải có những đề nghị cải tiến hiệu quả hay kế hoạch hành động mang lại lợi ích thiết thực cho hoạt động của công ty. Đề nghị và thuyết phục cấp trên tin tưởng rồi giao phó cho mình thực hiện là cách gây ấn tượng mạnh mẽ nhất để tự tạo nên những bước thăng tiến cho mình.
Đương nhiên, muốn vậy, bản thân bạn cũng phải học tập, tìm hiểu để thực sự có được những đề nghị đáng giá để đệ trình. Để những nỗ lực của mình không uổng công, bạn cần ghi nhớ bảy điều sau để có thể có được một đề nghị có thể được chấp nhận dễ dàng, ít nhất là từ cấp trên trực tiếp của mình.
Phải thay đổi cách suy nghĩ, thái độ đối với công việc của mình cho phù hợp với tính cách của cấp trên trực tiếp mà bạn sẽ trình bày đề nghị của mình. Có thể sếp trực tiếp của bạn cũng chỉ là một cấp quản lý bậc trung nhưng đó là người đầu tiên mà bạn cần phải đạt được lòng tin để có thể được trao cho những nhiệm vụ quan trọng và có khả năng thăng tiến hơn.
Bạn cần phải xác định đúng những vấn đề đang là mục tiêu cần phải đạt đến trước mắt để có những đề nghị cải tiến phù hợp. Nếu bạn có một đề nghị hành động hoàn toàn mới, hành động đó phải thanh thỏa được những vấn đề đang nóng của đội ngũ. Bạn nên nhớ, những đề nghị chiến lược lâu dài chỉ có thể được chú ý khi bạn đã chứng tỏ được khả năng với những thành công chiến thuật cấp thời.
Bạn cần phải chắc chắn sếp trực tiếp của mình đang nóng lòng về những gì để nêu lên hàng đầu những vấn đề đó trong đề nghị của mình. Bạn cũng cần phải hiểu sếp của mình thích nghe những gì và hành động theo cách nào để trình bày đề nghị của mình đúng với cách sếp muốn nghe, muốn tiến hành. Đây là một điều bạn phải tìm hiểu chắc chắn nếu không muốn đề nghị của mình bị bác bỏ.
Trong lúc suy nghĩ và sắp xếp lên kế hoạch cho đề nghị của mình, đừng quên để ý đến diễn biến của thị trường cũng như những thay đổi có thể xảy ra trong hoạt động của công ty. Đừng chỉ làm việc với những thông tin đã có để rồi kế hoạch của bạn sẽ có những chỗ thiếu sót chết người vì những thay đổi bất ngờ mà bạn không nắm được.
Đừng quá coi thường sếp. Tuyệt đối đừng bao giờ có ý nghĩ là sếp của mình không đủ khả năng lãnh đạo, hãy suy xét thật kỹ để nhìn thấy những khả năng của sếp mà bạn chưa nhận biết. Nên ghi nhớ là ý nghĩ trên chỉ ngăn trở sự thăng tiến của bạn bởi bạn sẽ để lộ ra suy nghĩ đó của mình ra và chắc chắn – không ai lại muốn đề bạt một người xem thường mình.
Đừng ngại ngần phản ứng hay có những đề nghị trái ý với sếp nếu bạn có thể chắc chắn minh chứng sự đúng đắn của phản ứng và giá trị của đề nghị của mình. Hãy làm cho sếp hài lòng trước rồi hãy có phản ứng trái ý sau, lúc đó sếp sẽ dễ dàng nghe lời trái tai hơn. Đây cũng là một cách gây chú ý đối với sếp nhưng bạn phải ứng dụng thật chính xác và khéo léo.
Chú ý đến sếp trực tiếp của mình nhưng cũng không bỏ qua những đồng nghiệp có ảnh hưởng tốt đối với sếp. Bạn nên quan tâm đến ý kiến của những người này có thể có với sếp về đề nghị của mình.
Thực hiện tốt và cẩn trọng bảy điều trên, tương lai thăng tiến của bạn chắc chắn sẽ dễ dàng và thuận lợi với sự đồng tình của cả sếp lẫn các đồng nghiệp của mình.
Để lại một bình luận