Chuẩn bị bước sang một năm mới, mọi người thường tự đặt ra cho bản thân những mục tiêu để hướng tới như thay đổi công việc, thăng chức… Tuy nhiên chỉ vài tháng sau khi công việc trở nên bận rộn, những dự định đó nhanh chóng bị quên lãng.
Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn không bao giờ từ bỏ khi chưa thành công:
Thay đổi khi thích hợp:
Đầu tiên bạn cần hiểu rõ rằng bạn muốn tiếp tục công việc cũ hay đã đến lúc cần thay đổi. Nếu bạn thấy công việc hiện nay không còn tạo cảm hứng cho bạn nữa, vị trí công việc hiện tại không phù hợp với sở thích, hay mức lương hiện nay không tương xứng với khả năng của bạn.
Đã đến lúc bạn nên nhìn nhận lại về sở thích cũng như năng lực của bản thân để tìm một công việc mới phù hợp hơn.
“Đánh bóng” lại khả năng làm việc của bạn:
Tuy nhiên, nếu vẫn yêu thích công việc hiện tại thì mục tiêu của bạn bây giờ là làm nó ngày một tốt hơn.
Bạn cần làm mình nổi bật hơn so với các đồng nghiệp khác và khiến sếp nhận ra khả năng của bạn bằng cách luôn hoàn thành công việc đúng thời hạn, cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến lĩnh vực mình làm việc và cải thiện những kỹ năng làm việc còn yếu của bản thân.
Hỏi ý kiến sếp:
Thay vì “đoán mò” về những điểm mạnh, yếu của bản thân sao bạn lại không đến nói chuyện thẳng thắn với sếp. Hãy hỏi sếp về những yếu kém trong kỹ năng làm việc của bạn, điều gì đã tốt và điều gì cần phải cải thiện. Bạn cũng có thể đưa ra đề nghị với sếp về một cuộc họp thường niên bàn về những điểm yếu và mạnh của mỗi người cũng như đặt ra những mục tiêu mới trong tương lai gần.
Tự đặt ra những mục tiêu cho bản thân:
Nhìn lại một năm vừa qua để tìm ra điều bạn muốn đạt được trong năm tiếp theo. Ví dụ như mục tiêu của bạn là cải thiện hiệu quả công việc, được thăng chức hay tăng lương và bạn cần chắc chắn rằng những mục tiêu phải rõ ràng và khả thi.
Lập kế hoạch chi tiết:
Viết ra từng bước đi bạn sẽ thực hiện để đạt được mục tiêu đã đề ra. Hãy viết nó trong một cuốn sổ tay để hằng ngày bạn thấy những bước bạn đã hoàn thành và cần làm gì tiếp theo. Tự đưa ra thời hạn nhất định để đạt được từng mục tiêu cũng như tạo sức ép cho bản thân cố gắng hết sức.
Hãy bắt đầu ngay khi có thể:
Hãy bắt đầu ngay từ khi mục tiêu còn nằm trong suy nghĩ và ghi ra những thách thức bạn có thể gặp. Tiến từ bước nhỏ ngày hôm nay sẽ tạo nên thành công lớn cho ngày mai.
Để công việc trong trật tự:
Hãy dành một chút thời gian trong tuần làm việc để sắp xếp lại những tài liệu của bạn, để chúng trong một trật tự và dễ dàng cho bạn trong việc tìm kiếm. Bắt đầu bằng việc cất tất cả những thông tin mà giờ bạn ít khi hoặc không dùng đến vào tủ đựng tài liệu lưu trữ, sau đó sắp xếp những tài liệu bạn thường xuyên sử dụng ở gần bạn.
Phân tích hiệu quả làm việc của bạn:
Hiệu quả công việc cao hay thấp phụ thuộc vào khả năng quản lý thời gian của bạn. Quản lý thời gian chính là không để những việc riêng lấy mất thời gian làm việc. Ví dụ như bạn chỉ thực hiện những cuộc gọi điện riêng vào giờ nghỉ giữa buổi họp hay lúc ăn trưa.
Cuối ngày, bạn nên ghi nhanh những đầu việc bạn đã làm được trong ngày để tự đánh giá bản thân.
Tạo mối quan hệ tốt trong công việc:
Để công việc luôn trôi chảy bạn cần giữ một thái độ tích cực khi làm việc với các đồng nghiệp cũng như khách hàng. Ngoài ra bạn có thể cho mọi người thấy sự quan tâm của bạn như nhớ ngày sinh của họ, hỏi thăm họ khi họ nghỉ làm đột xuất,…
Duy trì mối quan hệ tốt với những đồng nghiệp không chỉ giúp bạn có cảm hứng đi làm mà còn tạo năng suất cao trong công việc.
Quyết tâm hoàn thành công việc:
Để đạt được thành công bạn cần phải có quyết tâm cao. Hãy tưởng tượng về thành công bạn sẽ đạt được sau những nỗ lực đó mỗi khi bạn cảm thấy chán nản.
Hơn nữa, đừng do dự đề nghị mọi người khi bạn cần giúp đỡ bởi vì thành công không thể có khi bạn một mình.
Để lại một bình luận