Làm sao để nói với sếp là ông (hay bà) đã sai lầm? Bạn phải hết sức cẩn trọng trước khi quyết định làm việc này nhưng cẩn trọng không phải là né tránh.
Tỏ ra thách thức sếp của mình chắc chắn là một việc làm tiềm tàng nguy cơ nhưng đó là một việc nên làm và đó cũng là cách để chứng tỏ sự hết lòng và trách nhiệm đối với công việc của mình.
Bạn là cấp quản lý hay chỉ là nhân viên thừa hành cũng không khác, vấn đề là ý kiến và cách nói của bạn ra sao. Đương nhiên, điều bạn nói phải là đáng và cần để nói nhưng cho dù điều bạn nói có đúng đến đâu cũng vô ích nếu bạn không trình bày được đúng cách và đúng lúc. Để ý kiến của bạn thực sự là một đóng góp giá trị, bạn phải thực lòng vì lợi ích chung; bạn phải xác định được nguyên nhân sai lầm và phải có sẵn giải pháp cho vấn đề mà bạn nêu lên. Dưới đây là bảy điều kiện bạn phải hội đủ để có thể góp ý một cách hiệu quả và đáng tin.
Không nóng vội: Nếu bạn đang bực tức và chỉ muốn chỉ trích, hãy bình tâm lại và chờ đến một lúc bạn bình tĩnh hơn. Nên nhớ, bạn chỉ ra sai lầm là để đóng góp cho nỗ lực chung của tập thể chứ không để chỉ trích hay thỏa mãn tự ái của mình.
Xin phép được nói thẳng: Hãy thẳng thắn xin phép được góp ý về sai lầm đang xảy ra, nếu sếp OK hãy bắt đầu. Dù sao cũng chẳng ai có thể thích thú khi bị chỉ trích một cách bất ngờ. Điều bạn trình bày cần phải đúng lúc, có thể sếp đang có vấn đề khác phải lo toan, bởi vậy nếu chưa được phép bạn hãy chờ đến một dịp khác.
Động cơ của bạn phải đúng: Nếu buộc phải tranh luận hãy sẵn sàng nhưng luôn ghi nhớ động cơ là vì lợi ích chung. Xác định mục tiêu của mình và chuẩn bị sẵn mọi chứng cớ, trường hợp cụ thể để minh chứng cho luận điểm của mình.
Nhấn mạnh đến lợi ích: Bạn có thể nói được thật nhiều nếu bạn nói những điều dễ chịu và lợi ích trước. Nói một cách tin tưởng và không bao giờ ra vẻ phải đối phó. Nhấn mạnh đến mọi lợi ích cụ thể trước khi nói đến những điều cần phải thay đổi.
Sẵn sàng lắng nghe góp ý: Bạn không nên chỉ cố nói một mình, hãy đưa ra những câu hỏi mở hay yêu cầu ý kiến để sếp hay những người cùng tham dự có thể bày tỏ ý của họ. Lắng nghe và yêu cầu ý kiến để chứng tỏ lòng ngay thật vì công việc chung của bạn.
Xử sự với sếp như một khách hàng: Trình bày quan điểm của bạn như đang giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Khách hàng chỉ mua những thứ họ muốn mua, bạn không thể ép họ mua cũng như bạn không thể ép sếp phải nghe theo ý kiến của bạn. Bạn phải biết rõ sếp của mình thích những gì để có thể trình bày và giới thiệu những thứ mà sếp muốn nghe và sẵn sàng chấp nhận.
Đừng sớm nản lòng: Bạn không thể mong sếp dễ dàng chấp nhận và tin vào đóng góp của bạn. Không một sếp nào có thể dễ dàng từ bỏ kế hoạch đang tiến hành của mình chỉ vì một lời góp ý của một nhân viên dưới quyền. Bạn có thể phải trình bày ý kiến của mình không chỉ một lần và sếp của bạn chắc chắn cần nhiều thông tin hơn để có thể quyết định. Dù sao bạn cũng phải chắc là những đóng góp của mình được quan tâm và sẵn sàng để trình bày rõ ràng và đầy đủ chứng cớ hơn.
Mọi vị sếp đều tôn trọng những nhân viên thẳng thắn và nỗ lực vì sự phát triển chung. Nếu bạn chứng tỏ được sự hết lòng của mình trong lần đầu góp ý, sau này những ý kiến của bạn sẽ được sếp chú trọng và sẵn sàng lắng nghe hơn.
Để lại một bình luận