> NHÂN VẬT PHẬT GIÁO
Pháp sư Cưu Ma La Thập gốc người Ấn Độ, sinh ra trong thời Diêu Tần tức khoảng 400 năm sau Tây lịch và gần 1000 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Ngài là người trí tuệ vô song, thông làu tam tạng kinh điển nên được gọi là Tam Tạng Pháp Sư.
Bài liên quan
Thành lập trường Đại học Phật giáo tại Ấn Độ thu hút sinh viên Đông Nam Á
Khi còn ở Ấn Độ, dòng họ của Ngài là một gia đình nối truyền nhau làm quan Tướng quốc (chức Thủ tướng ngày nay) đến khi thân phụ ngài là Cưu Ma La Viêm bỏ ngôi Tướng quốc, xuất gia tu Phật và xuất ngoại vào nước Cưu Ty, miền Tây vực nay thuộc tỉnh Tân Cương, Trung Hoa.
Quốc vương nước Cưu Ty lúc này rất kính mến thân phụ ngài nên phong ông làm Quốc sư. Nhà vua có người em gái tên là Kỳ Bà tuy mới hai mươi tuổi, tư chất thông minh xuất chúng nên muốn đem ép gả cho Cưu Ma La Viêm. Sau đó sinh ra ngài Cưu Ma La Thập.
Tuy tuổi rất trẻ nhưng ngài đã biểu hiện nhiều thiên tài thần diệu. Lúc lên bảy tuổi ngài theo mẹ vào chùa để xuất gia, thấy một cái bình bát làm bằng thiết thì ngài liền lấy đội lên đầu. Lúc ấy trong tâm ngài phát sinh ý niệm cái bình bát này rất nặng thì bỗng nhiên cái bình bát nặng lên mấy trăm lần. Nhưng điều thần diệu là tự nhiên trong ngài sinh lực cũng tăng lên mấy trăm lần tương xứng với sức nặng của bình bát để giúp ngài đủ sức đội. Từ đó mà ngài thấu được câu: ”Vạn Pháp Duy Tâm” có nghĩa là tất cả mọi việc trong thế gian nầy đều do tâm mình tạo. Khi tâm mình nghĩ thiện thì có cảnh thần tiên, ngược lại nếu tâm mình nghĩ ác thì thấy cảnh địa ngục.
Bài liên quan
Thuyết giảng về “Bản năng và lý trí” của Thượng toạ Thích Chân Quang
Sau khi xuất gia không lâu, ngài học hiểu, thông suốt tất cả tam tạng kinh điển và phát sinh đại trí tuệ. Ngài có biện tài vô ngại nên nhà vua rất quý trọng bèn sai đúc một cái pháp tọa bằng con sư tử vàng để ngài ngồi lên mà thuyết pháp.
Bấy giờ ở bên Trung Hoa vào đời nhà Đông Tấn có vua Tần Phù Kiên của nước Tần vì nghe đại danh của ngài Cưu Ma La Thập nên sai đại tướng Lữ Giang cử 7 vạn binh đánh vào Tây vực buộc vua nước Cưu Ty phải giao Pháp sư cho họ. Vua nước Cưu Ty khước từ nhưng cuối cùng bị thất trận đành phải giao Pháp sư cho vua Tần. Khi vừa đến đất Lương Châu thì nghe tin vua Tần Phù Kiên bị ông Dao Trành giết chết, Lữ Giang tự chiếm đất Lương Châu và tự phong mình làm vua là Tam Hà Vương, lập ra nhà Hậu Lương.
Vua Dao Trành lập ra triều đại Hậu Tần mà kinh điển thường gọi là Dao Tần hay Diêu Tần. Vua Dao Trành qua đời con là Dao Hưng lên nối ngôi mới cất binh qua đánh vua Lữ Giang, nhưng Lữ Giang vừa qua đời con là Lữ Long lên thay chịu đầu hàng. Nhà vua liền rước Pháp sư về Tràng An, tôn làm Quốc sư và ngự tại Tiêu Diêu Viên và Tây Minh Các để kiểm duyệt lại tất cả kinh điển.
Bài liên quan
Kinh nhân quả đạo đức
Pháp sư Cưu Ma La Thập xem xét lại kinh điển thì thấy phần lớn đều sai lệch chẳng đúng với phạm bản, liền cho mời các vị danh tăng như Tăng Triệu, Tăng Duệ, Tăng Lãnh, Đạo Sanh, Đạo Dung, Đạo Hằng, Huệ Quang, Huệ Nghiêm, Đạo Thường, Đạo Phiêu mà được người đời gọi là ”Thập môn, Thập triết” tức là mười nhà, mười vị bác học cùng với các vị Đại đức khác tổng cộng trên 108 người cùng nhau dịch ra các bản kinh luật mới, trước sau hơn 390 quyển.
Trước khi lâm chung, ngài Cưu Ma La Thập cho mời tăng chúng đến dặn rằng:
– Sau khi ta mệnh chung, hãy đem nhục thể của ta hỏa thiêu. Nếu quả thực các kinh điển do ta phiên dịch không có điều gì sai lầm thì lưỡi của ta không bị hoại. Còn như nếu là sai với tâm ý của Phật thì lưỡi của ta tất bị thiêu hóa.
Sau khi lửa tàn, thi thể cháy hết mà lưỡi của Pháp sư vẫn giữ màu hồng tươi như khi còn sống. Xem như vậy mới biết rằng tất cả các kinh do ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch hoàn toàn không sai lạc, thật đúng với tâm ý của Phật.
Bài liên quan
Chiêm ngưỡng tháp Đại Nhạn hùng vĩ nơi thầy Đường Tăng dịch những bộ kinh Phật đầu tiên
Kinh điển Phật giáo lưu truyền ngày nay bằng chữ Hán là do công của hai ngài La Thập và Huyền Trang phiên dịch. Những kinh điển do ngài La Thập dịch gọi là cựu dịch, còn kinh điển ngài Huyền Trang dịch gọi là tân dịch. Tại sao cùng là văn tự chữ Hán lại phân cựu và tân? Cựu ngoài cái nghĩa là lâu, còn có ý chỉ cho văn thể theo lối cổ, không được bóng bẩy êm xuôi; còn tân là văn hiện đại nên được nhiều người đọc hiểu.
Các kinh sách của Phật giáo được lưu truyền rộng rãi khắp Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam… một phần lớn đều do những người phiên dịch từ Phạn văn sang Hán văn mà ngài La Thập là một trong số các nhà đại dịch giả lúc bấy giờ.
Trong các bộ kinh do Ngài dịch, ở phần mở đầu có ghi: Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, phụng chiếu dịch. Câu này có nghĩa Đời Diêu Tần, ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập vâng theo lời vua để dịch, tức là lúc ở trong cung nhà vua thỉnh Ngài làm việc phiên dịch này.
Để lại một bình luận