Xưa nay chúng ta vẫn chú trọng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ tìm việc online, “trật tự” này ngược lại…
Bí quyết “làm đẹp” cho CV xin việc
Bà Nguyễn Thanh Hương – Giám đốc nhân sự Bayer Việt Nam, người có 15 năm kinh nghiệm trong việc tuyển nhân viên – cho biết: “Mỗi khi search trên các mạng việc làm, chúng tôi nhận được có khi cả ngàn hồ sơ. Do vậy, chỉ những CV nào có ”ngoại hình” bắt mắt mới khiến chúng tôi chú ý và đọc kỹ chi tiết bên trong”.
Để hồ sơ “đẹp” hơn, bà Hương khuyên các ứng viên ngoài việc trình bày rõ ràng, sạch đẹp, đúng chính tả và ngữ pháp, nên làm nổi những thông tin “đắt giá” bằng cách bôi màu, gạch chân, in đậm… Giữa các đoạn cũng nên có một khoảng trống kha khá cho để cho mắt nhà tuyển dụng có chỗ “dừng chân và thở”.
Bên cạnh đó, hồ sơ cũng nên có tính nhất quán. Hiện giới văn phòng Việt Nam có thói quen dùng từ Anh – Việt lẫn lộn, tuy nhiên khi viết, cần phải thuần Việt, vì nếu không sẽ gây khó chịu cho người đọc. Ngoài ra khi liệt kê các công việc, bằng cấp… ứng viên nên tuân thủ theo một trật tự thời gian (nếu ở phần này nêu từ hiện tại đến quá khứ thì ở các phần kia cũng phải như vậy)…
Bà Hồ Thụy Nhàn Khanh, trưởng phòng tuyển dụng công ty Nestle Việt Nam, cho biết bà đã từng gặp nhiều trường hợp hồ sơ “đẹp”, chất lượng ứng viên tốt nhưng lại mắc phải những “hạt sạn” như trên, khiến hồ sơ bị “mất điểm”.
Cũng theo các chuyên gia nhân sự, CV dài hay ngắn không quan trọng, vấn đề là nội dung của CV. Viết ngắn quá thì đương nhiên chưa đủ cơ hội để kể rõ các thế mạnh của mình, nhưng viết chi tiết quá lại cũng không hay. Chẳng hạn có người ứng tuyển vào vị trí quản lý khá cao nhưng lại kể lể quá chi tiết về những việc đã làm. Thông thường với “đẳng cấp” như thế, chỉ nên nêu những thành tựu lớn nhất đã đạt được.
Hiện nay, các trang web việc làm thường dành một vị trí cho ứng viên đưa thêm nội dung thư ứng tuyển (cover letter) vào. Điều này cũng có tác dụng tốt với hồ sơ. Tuy nhiên, nội dung đó phải thật súc tích và đủ ý; độ dài không quá 1 trang, nhưng cũng không được quá sơ sài.
Nâng “chất” CV
Để nâng chất lượng CV, ứng viên cần nhấn mạnh mục tiêu công việc. Trên thực tế, có không ít ứng viên nêu nhiều mục tiêu rất “kêu”. Tuy nhiên theo bà Zenaida D. Ramirez, giám đốc phát triển kinh doanh của Employment Việt Nam, điều này thường khiến nhà tuyển dụng cảm nhận là ứng viên chưa biết mình muốn gì. Do vậy, chỉ nên nêu 2 đến 3 mục tiêu quan trọng nhất đối với mình, và cố gắng chọn những mục tiêu có liên quan đến công việc đang ứng tuyển.
Trong phần kinh nghiệm, không nên chỉ nêu mốc thời gian và tên công việc, thay vào đó hãy miêu tả ngắn gọn về những nhiệm vụ chính và những gì mình đã làm được, đạt được từ công việc đó.
Thông thường ứng viên càng có nhiều kinh nghiệm thì càng được nhà tuyển dụng “để ý”. Mặc dù vậy, đây lại là con dao hai lưỡi. Nhiều bạn trẻ ngày nay thích “nhảy việc”, và nhà tuyển dụng không phải lúc nào cũng “chào đón” những ứng viên dạng này.
Một chi tiết khác mà nhiều ứng viên hiện chưa chú ý khi làm CV online là thời điểm chuyển chỗ làm. Chi tiết này nếu được nêu rõ sẽ giúp ích rất nhiều cho nhà tuyển dụng trong việc chọn lọc xem bạn đã sẵn sàng cho cuộc hẹn phỏng vấn với họ chưa.
Ngoài ra, nếu trong CV của bạn có đề cập đến những người tham khảo, thì cần nêu rõ họ tên, chức danh, nơi làm việc và thông tin liên lạc. Cần chú ý là chỉ nêu những người thực sự làm và hiểu công việc của bạn chứ không nên đề cập đến bạn bè.
Cuối cùng là vấn đề lương. Nhiều ứng viên hiện nay ngại đề cập đến “mức lương đề nghị”, hoặc chỉ ghi là “thương lượng”. Theo ông Huỳnh Văn Thôi, giám đốc mạng việc làm www.onlinejobs.vn, có kinh nghiệm gần 10 năm trong lĩnh vực tư vấn – môi giới nhân sự, ứng viên nên ghi rõ thông tin này bởi nó giúp nhà tuyển dụng dễ dàng chọn được người phù hợp với vị trí đang tuyển.
Tuy nhiên, đã đề nghị mức lương thì phải phù hợp. Thấp quá thì “hớ”, mà cao quá thì “tự mình hại mình”. “Một số cách để giúp ứng viên nắm ”giá” của mình là tham khảo người quen hoặc hỏi tại các mạng việc làm, các tờ báo có chuyên mục việc làm”, ông Thôi tư vấn.
Để lại một bình luận