Chướng ngại vật của sự… thăng tiến

Chướng ngại vật của sự… thăng tiến
0 Shares


Thành công, thăng tiến là khát vọng của mỗi người. Nhân viên muốn thành quản lý, quản lý muốn thành phó hay tổng giám đốc, tổng giám đốc muốn thành chủ tịch tập đoàn.

Thế nhưng có nhiều người vẫn không thể thăng tiến, dù họ đầy đủ tài năng, học vấn hoàn chỉnh, được cấp trên chú ý.

Điều gì cản trở bước đột phá tiến lên hàng đầu của họ? Và đây là câu trả lời của Chủ nhiệm Trung tâm phát triển MBA Học viện thương nghiệp Havard (Mỹ) Horace và tiến sĩ Bartholy: mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ cách thức hành động của bạn.

Hành vi kém cỏi (chứ không phải năng lực) sẽ gây trở ngại lớn. Hai ông đã nghiên cứu, khảo sát và quy nạp thành 12 cách thức hành động không tốt cho sự phát triển sự nghiệp.

1- Luôn cảm thấy mình chưa đủ giỏi

Có những người mắc bệnh “sợ sự nghiệp”. Họ thông minh, có kinh nghiệm, có năng lực, nhưng khi được cấp trên cất nhắc giao cho một nhiệm vụ mới thì lại… từ chối, vì cho rằng công việc lớn lao, sức mình nhỏ bé, không đảm đương nổi. Họ không muốn leo lên cao, thậm chí, còn cho rằng vị trí hiện tại đã là quá mức kỳ vọng của họ rồi, đánh tụt đi vài bậc nữa cũng không sao.

Loại hành vi này là tự mình phá hoại, cản trở bước tiến của mình, thường là loại hành vi vô thức của người an phận và là người tốt, cầu toàn.

2- Một lòng tiến đánh bức tường chắn

Trái ngược lại với hành vi trên, là những người quá tự tin, vội vã đi đến thành công và nôn nóng muốn chứng tỏ mình. Họ đề nghị và đảm nhận những việc lớn lao hơn sức mình và cùng lúc nhiều việc. Khi gặp thất bại, họ lại khua môi múa mép biện hộ, thuyết phục, làm những việc khác to lớn hơn để bù đắp.

Đây là những người thiếu thực tế và thường gây sự cảnh giác cho những ai đã nếm trải qua nhân vật dũng sĩ từ sáng đến tối cứ tiến đánh hòng làm sụp đổ bức tường chắn chỉ để lập công và khẳng định mình.

3- Nhìn thế giới không đen thì trắng

Kiểu hành vi này phân biệt loài người và sự việc thành hai loại: tốt hoặc xấu. Và họ xác định thái độ chỉ “dính dáng” đến những gì “trắng” còn những gì “đen” thì loại bỏ khỏi thế giới quan hệ tình cảm lẫn làm ăn, xã giao của mình.

Không chấp nhận tính hai mặt của vấn đề như của con người, thì đó là tự mình hạn chế cơ hội của mình. Họ luôn một mình đánh trận và một mình bại trận.

Xem thêm  Để thành công? Đâu khó...

4- Làm quá nhiều, yêu cầu quá nghiêm khắc

Bản thân mình luôn nỗ lực, tự mình vắt kiệt sức mình cho công việc và họ cũng yêu cầu như vậy với thuộc cấp. Nhân viên dưới quyền luôn bị họ giao khối lượng công việc lớn đến không bao giờ họ không phải làm thêm giờ, trong một sự nỗ lực tối đa mới có thể hoàn thành.

Tình trạng này kéo dài khiến thuộc cấp sợ hãi công việc và buộc họ phải nghĩ đến một công việc khác, ở một nơi khác để bảo đảm sự cân bằng trong đời sống của mình. Bạn cũng biết, nhân sự xáo trộn liên miên không bao giờ là bạn đồng hành của thành công cả.

5- Hòa bình là trên hết

Loại người này sợ và né tránh xung đột. Nhưng phải biết rằng đối đầu với xung đột và biết cách giải quyết nó là động lực để phát triển, kích thích sức sáng tạo của tập thể. Né tránh xung đột với thuộc cấp trong những tình huống cần thiết là tự mình làm suy giảm quyền lực của mình.

6- Khống chế người phản đối

Nam giới thường có tính cách này, bà thủ tướng Thacher của Anh, có biệt danh “Bà đầm thép” là một ngoại lệ.

Họ thường có những lập luận đanh thép, lời lẽ gay gắt hùng hồn, không đếm xỉa đến cảm giác của người bị phản bác. Họ thường áp dụng đấu pháp tấn công người để người không dám tấn công mình.

Vì sự đấu đá bừa bãi, tính công kích mạnh mẽ, không hiểu được kỹ xảo đi đường vòng, họ như một cỗ xe tăng càn ngang mọi thứ, chỉ biết có tiến công, nên họ thường gây nguy hại đến con đường công danh của mình.

7- Sự phản nghịch trời sinh

Những người này có tính cách phản kháng quyết liệt và lật đổ cái cũ, tái lập cái mới. Họ luôn cảm thấy thỏa hiệp là nhục nhã, nên hay có những ý kiến phản nghịch. Họ như con tàu không chấp nhận có thuyền trưởng và chỉ để cho chính nó điều khiển nó. Trong những tập thể coi trọng sự tuân phục và ổn định, thì những nhân vật kiểu nổi loạn như thế này khó có đất sống chứ đừng nói đến sự thăng tiến.

8- Chủ nhân của sự sợ hãi

Đây là những người lo nghĩ quá nhiều, toàn những chuyện không đâu. Khi được giao một công việc, họ cứ toàn lo đến rủi ro và nguy cơ cho đến khi quyết định… không triển khai vì chắc chắn rằng làm sẽ thất bại!

Mỗi ông chủ đều được khuyên là không nên trao quyền lãnh đạo vào tay những người này, vì nỗi sợ hãi đủ thứ của họ sẽ dẫn đến thái độ chần chừ và không đưa ra được những quyết định đột phá đúng vào thời điểm “chậm thì chết”.

Xem thêm  Kế toán thuế là gì? Vai trò và nhiệm vụ của kế toán thuế

9- Kẻ đần độn về tình cảm

Đây là những người không hiểu gì về nhân tính. Không ai có thể nói với họ rằng: “Sự ra đi của anh ấy khiến tôi suy sụp nặng và tôi không thể tập trung làm việc được, xin ông cho tôi nghỉ phép ít hôm”. Họ rất lấy làm khó hiểu về những cảm xúc rất người như yêu thương, thất vọng…

Họ đặt nhân tố tình cảm ra ngoài công việc một cách triệt để, thiếu năng lực dùng tấm lòng thu phục nhân tâm. Chính vì vậy mà gây thất vọng nhân tâm, ít được sự ủng hộ của mọi người. Vị trí thích hợp của họ là lãnh đạo một đoàn người máy!

10- Mắt cao tay thấp

Luôn chê công việc đó là tủn mủn, tẻ nhạt, không có tính thách thức, không có yếu tố kích thích sáng tạo v.v. Nhưng kỳ thực là do họ không làm được việc gì cho triệt để, đến cùng. Vì như vậy, họ thường im lặng che dấu mọi khó khăn gặp phải, không đưa vấn đề ra bàn luận tìm giải pháp, không xin ý kiến cấp trên khi cần vì sợ bị đánh giá thấp.

Họ có tham vọng về quyền hành chức tước nhưng lại không chịu học hỏi, không nỗ lực phấn đấu, mà chọn đi đường tắt bằng quan hệ hoặc chờ sống lâu lên lão làng. Đây là những người luôn thể hiện được sự có mặt của mình ở tổ chức nhưng lại không giúp ích được gì cho tổ chức cả.

11- Không hiểu chừng mực

Không biết điều gì có thể đưa ra bàn luận công khai, điều gì nên giữ kín, người Việt chúng ta gọi là không biết giữ mồm giữ miệng. Họ thường là người tốt, chân thật, không có mưu sâu kế hiểm, chiến lược lâu dài, ấp ủ tham vọng. Và cũng chính vì thế mà khó có cơ hội thăng tiến.

12- Lạc hướng

Họ luôn hoài nghi về công việc mình đang làm, cuộc đời mình đang sống với những câu hỏi kiểu như: công việc tôi đang làm có giúp ích gì cho mục đích cuộc đời mà tôi đang theo đuổi không?

Con đường tôi đang đi có đúng không? Chính vì những câu hỏi này mà họ không chuyên chú vào con đường thăng tiến trước mắt. Họ còn hay rời bỏ công việc đang làm, dù rất tốt, để đi tìm một công việc khác mà theo họ, đó là quá trình đi tìm kiếm một công việc thực sự có ý nghĩa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *