Chùa Thiên Ấn: Ngôi chùa 300 năm tuổi gắn liền với những giai thoại
Là một tín đồ Phật giáo, có lẽ bạn đã từng nghe tới một ngôi chùa linh thiêng tại Quảng Ngãi – chùa Thiên Ấn. Đây là địa điểm tâm linh, gắn bó tình cảm với bao thế hệ người dân xứ Quảng. Chùa Thiên Ấn không chỉ thu hút nhiều người đến đây để cúng bái bởi sự linh thiêng mà còn hấp dẫn du khách nhờ vẻ đẹp thanh tịnh và cổ kính. Cùng Đọc Ngẫm tìm hiểu và khám phá về ngôi chùa này nhé!
1. GIỚI THIỆU VỀ CHÙA THIÊN ẤN
Vào cuối thế kỷ 17, chùa Thiên Ấn được xây dựng trên ngọn núi cùng tên. Và kể từ đó, ngôi chùa được gắn liền với nhiều giai thoại huyền bí và thú vị. Ngôi chùa là một địa điểm tâm linh nổi tiếng thu hút không chỉ người dân Quảng Ngãi mà còn là du khách ở nhiều nơi trên đất nước ghé thăm. Bên cạnh đó, từ lối kiến trúc cho đến những cảnh vật xung quanh của Thiên Ấn tự đều mang trên mình vẻ đẹp thanh tịnh và bình yên.
Ngôi chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ với những nét độc đáo riêng biệt, ấn tượng. Bên cạnh đó, Thiên Ấn tự còn gây cho du khách sự tò mò về các giai thoại có liên quan đến chùa. Câu chuyện về sự hình thành của ngôi chùa, câu chuyện về chiếc “chuông thần”, câu chuyện về cái “giếng Phật” khiến cho ngôi chùa trở thành nơi tâm linh của người dân bản xứ cùng du khách.
Ngoài ra, ngôi chùa còn gây hấp dẫn bởi những khung cảnh xung quanh. Với độ cao 100m so với mực nước biển, khi đứng tại chùa, bạn có thể ngắm nhìn cả thành phố thu nhỏ trên không. Từ đỉnh núi nhìn về phía Bắc, bạn sẽ nhìn thấy dãy núi Long Đầu sừng sững giữa những cánh đồng lúa bao la xanh mướt. Kế bên đó, là cảnh đẹp của “Cổ Lũy cô thôn” hòa cùng nét đẹp của biển cả trong xanh ở phía Đông. Xoay nhẹ sang bên phải một chút về phía Nam, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh ngọn núi Thiên Bút thường được người dân gọi là Thiên Bút phê vân tọa lạc giữa lòng Quảng Ngãi. Và cuối cùng là phía Tây, nếu nhìn về hướng này, bạn sẽ trông thấy rặng núi Thạch Bích uy nghiêm giữa nền trời xanh thẳm. Và nếu bạn kéo tầm mắt lại gần một xíu, bạn sẽ vẻ đẹp thơ mộng, uốn lượn của dòng sông Trà. Tất cả đã tạo nên những nét đẹp riêng cho Thiên Ấn tự.
2. ĐƯỜNG ĐI ĐẾN CHÙA THIÊN ẤN
Chùa Thiên Ấn thuộc xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi. Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 100m trên đỉnh núi cùng tên, cách trung tâm tỉnh khoảng 3km. Đường đi lên chùa khá ngoằn ngoèo và dốc. Tuy nhiên, đoạn đường đã được tráng nhựa và độ dốc cũng không cao nên đường đi rất an toàn. Dọc theo cung đường lên chùa, cây cối mọc um tùm, xanh mát tạo nên những khung cảnh hữu tình.
Đường đi từ Thành phố Quảng Ngãi đén chùa Thiên Ấn
Từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi, bạn đi về hướng đông lên Nguyễn Nghiêm về phía Quang Trung khoảng 30m. Sau đó, bạn rẽ vào Quang Trung và đi tiếp 1.4km thì gặp vòng xuyến. Tại đây, bạn đi theo lối ra thứ 2, đi về hướng cầu khoảng 800m nữa thì rẽ phải vào đường Trần Văn Trà. Đi tiếp 90m, bạn lại tiếp tục rẽ phải và đi thêm 950m nữa, bạn sẽ gặp phải vòng xuyến. Bạn đi theo lối ra thứ 2 vào quốc lộ 24B khoảng 1,1km nữa thì rẽ trái và đi tiếp 1,8km thì bạn sẽ nhìn thấy được chùa Thiên Ấn.
3. GIỚI THIỆU LỊCH SỬ VỀ CHÙA
Chùa Thiên Ấn được khai sơn và hình thành từ năm 1716, tuy nhiên lúc bấy giờ, đây chỉ là một cái thảo am nhỏ, tĩnh mịch, ít người lui tới. Sau đó, ngôi chùa được trùng tu thì số lượng tăng ni, phật tử đến đây ngày càng nhiều hơn. Năm 1717, nơi đây được chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng biển ngạch ghi chữ “Sắc Tứ Thiên Ấn Tự”. Qua những tháng ngày trải qua mưa gió cùng chùa, tấm biển đã bị hư hại nghiêm trọng và được vị thiền sư Hoàng Phúc tái tạo lại vào năm 1946. Và mãi đến năm 1964, nơi đây mới chính thức được trùng tu và xây dựng trở thành một ngôi chùa vào cuối năm 1965.
Kể từ khi được khai sơn cho đến nay, chùa Thiên Ấn đã trải qua 5 lần trùng tu xây dựng và mở rộng. Đến nay, khuôn viên của ngôi chùa đã tăng đến khoảng 1ha. Trải qua hơn 300 năm hình thành và tồn tại, chùa Thiên Ấn đã có khoảng 15 vị trụ trì, trong đó có đến 6 vị được suy tôn là sư tổ – lục tổ. Với bề dày lịch sử của chùa, Thiên Ấn tự đã được đưa vào danh sách Di tích lịch sử cấp quốc gia của Bộ Văn hóa – Thể thao vào năm 1990.
Những bữu tháp trong chùa Thiên Ấn
4. KIẾN TRÚC CỦA CHÙA THIÊN ẤN
Thiên Ấn tự gây ấn tượng bởi những họa tiết cầu kỳ hình lưỡng long chầu nguyệt cùng cuốn thư và hệ thống câu đối được trang ngay cổng ra vào. Phía trên cánh cổng – gác tam quan được đặt bức tượng thần Hộ pháp bảo vệ chùa. Bước tiếp vào trong, bạn sẽ trông thấy hai dãy tượng La Hán ở hai bên những bức tượng Phật.
Phía đông ngôi chùa là khu vực Viên mộ với những bửu tháp 5 và 9 tầng. Đây nơi an táng các vị thiền sư trụ trì của ngôi chùa. Gần với đó sẽ nơi bức tượng Đức Thích Ca Mẫu Ni cao hơn 3m bằng đồng nguyên khối tọa lạc ngay dưới tán cây cổ thủ. Bức tượng là nơi chứng kiến hàng ngàn, hàng triệu người đến khấn vái từ khắp mọi miền đất nước.
Về phía Bắc của ngôi chùa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một cái hồ rộng lớn, trong xanh với những đóa sen đua nhau khoe sắc nở rộ. Ngoài ra, nếu đã đến với chùa, bạn cũng nên ghé sang phía Tây Nam của chùa để viếng mộ nhà chí sĩ yêu Huỳnh Thúc Kháng và tỏ lòng biết ơn tới người anh hùng cách mạng.
Cổng chùa Thiên Ấn uy nghiêm và cổ kính
5. NHỮNG GIAI THOẠI VỀ CHÙA THIÊN ẤN
5.1. Giai thoại về sự hình thành chùa
Có lời kể rằng, thuở ban đầu, núi Thiên Ấn có nhiều loại thú rừng nên người dẫn chỉ dám nhặt củi dưới núi. Nhưng có một ngày, một đoàn người đã phát hiện con đường mòn lên núi. Họ đi theo con đường đó và gặp được vị tổ sư đã khai sơn tạo nên thảo am này – vị thiền sư Pháp Hóa đang tu thiền. Theo lời kể của phó Trụ Trì Thích Đồng Hoàng: “Ở ngài toát lên lòng từ bi và trí huệ, ngài đã giảng cho người dân về đạo Phật và lẽ nhân sinh. Càng về sau nhiều người dân đến thảo am để nghe giảng Phật pháp”. Kể từ đó, danh tiếng của am và vị thiền sư lan rộng khắp nơi và truyền đến tai của chúa Nguyễn Phúc Chu và được chúa ban tặng biển ngạch “Sắc Tứ Thiên Ấn Tự”.
Toàn cảnh chùa Thiên Ấn
5.2. Giai thoại về cái “Giếng Phật”
Câu chuyện được kể về một vị sư Trụ Trì đào giếng. Danh tiếng của ngôi chùa được lan rộng khắp nơi nhờ vậy mà số lượng Phật tử đến đây tăng lên đáng kể. Chính vì vậy, vị Trụ Trì mới nghĩ cách đào một cái giếng để đáp ứng được sinh hoạt hàng ngày của chùa. Và vị thiền sư được báo mộng rằng khi đào giếng ở phía đông chùa, họ sẽ gặp phải tảng đá bàn lớn. Họ chỉ cần bỏ tảng đá này đi sẽ thấy được mạch nước. Và quả đúng như vậy, khi đào giếng, mọi người đúng là gặp phải một tảng đá bàn lớn rất khó cạy lên. Lúc bấy giờ có một vị sư trẻ đến giúp đỡ cạy tảng đá lên. Khi mạch nước được lộ diện, dòng nước phun lên mạnh mẽ, vị sư già đã thỏa sức uống và vục mặt, đến khi bình tâm lại thì đã chẳng còn thấy vị sư trẻ đó đâu nữa. Cũng từ đó, giếng được người đời gọi với cái tên “giếng Phật”.
Cái “Giếng thần” trong chùa Thiên Ấn
5.3. Giai thoại về chiếc “Chuông thần”
Tại chùa Thiên Ấn có một chiếc chuông lớn, mỗi lần gõ, tiếng chuông sẽ vang vọng khắp vùng. Quả chuông được đúc tại làng Chí Thượng, nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức. Tuy nhiên, có tương truyền rằng, khi quả chuông được hoàn thành thì đánh mãi không kêu. Vị thiền sư Bảo Ấn – tổ sư thứ ba của chùa trong lúc thiền thì được báo mộng bởi một vị hộ pháp. Vị hộ pháp đó bảo vị sư đến làng Chí Thượng thỉnh quả chuông ấy về. Và sau khi thỉnh về và cầu nguyện thì tiếng chuông mỗi khi được đánh đã vang vọng khắp vùng như ngày nay.
Cái “Chuông thần” của Thiên Ấn tự
Chùa Thiên Ấn – một ngôi chùa với hơn 300 năm lịch sử gắn liền cùng bao giai thoại gây tò mò, thích thú với nhiều người. Ngôi chùa là nơi gửi gắm những lời khấn cầu, mong cho những điều tốt lành sẽ đến trong ngày tháng sắp tới. Đây cũng là nơi bạn thu những cảnh đẹp của Quảng Ngãi trong tầm mắt mình. Ngại gì mà không cùng gia đình và bạn bè đến đây để được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp này và tìm hiểu kỹ hơn về những giai thoại cũng như sự linh thiêng của chùa. Hãy liên hệ với chúng tôi qua Đọc Ngẫm hoặc thông qua số điện thoại nếu bạn có ý định đến với chùa Thiên Ấn hoặc đi du lịch đâu đó nhé!
Để lại một bình luận