Tại cửa hàng nọ, do lơ đễnh, nhân viên bán hàng đã viết nhầm bảng giá 1727 đồng. Sau khi bán sản phẩm đi rồi, cửa hàng mới phát hiện sự nhầm lẫn ấy. Họ dùng mọi cách tìm bằng được khách hàng đã mua chiếc áo đó, đòi trả lại tiền hàng để thu hồi sản phẩm, nhưng chỉ nhận được sự từ chối từ phía khách hàng.
Nghe nói anh nhân viên bán hàng đã tìm luật sư tư vấn, và cũng được luật sư ủng hộ. Xem ra, sai sót lần này có thể sẽ phát triển thành một vụ kiện tụng nho nhỏ. Mà một khi đã xảy ra kiện cáo thì dù thắng hay thua cũng khó tránh khỏi tổn hại uy tín. Tôi nghĩ, về phía người khách đó, bạn bè, người thân và cả đồng nghiệp của anh ta hẳn đều e ngại khi nhắc đến tên cửa hàng này.
Còn đây là câu chuyện tương tự xảy ra ở một cửa hàng khác:
Một người nọ đến cửa hàng nhạc cụ tìm mua đàn piano. Chọn lựa hồi lâu, sau cùng chị cũng tìm được món hàng ưng ý – vừa đẹp lại vừa rẻ. Chị gọi nhân viên bán hàng đến, chỉ anh ta xem cây đàn mình vừa chọn được.
Vừa nhìn thấy giá bán trtên cây đàn, anh nhân viên sững người ngạc nhiên, vội xin lỗi và giải thích, giá niêm yết trên cây đàn đã có sự nhầm lẫn. Đoạn anh bảo chị vui lòng chờ một chút, anh đi gặp giám đốc để xin chỉ thị.
Trong chốc lát, vị giám đốc từ sau quầy hàng nhanh chóng bước ra, từ xa đã niềm nở mỉm cười chào khách: “Chúc mừng cô! Cô đã mua được cây đàn piano tốt nhất với giá rẻ nhất!”
Hóa ra cũng bởi sơ suất, giá niêm yết trên cây đàn bị thiếu mất một con số 0, nhưng sự giao dịch giữa chủ tiệm và khách hàng đã được giải quyết một cách êm thấm.
Trường hợp thứ ba:
Có hai cô gái ngoại quốc bước vào cửa hàng đồ lưu niệm. Cửa hàng bày biện giản dị, bên ngoài với bên trong không hề có cửa kính phân cách. Từ các bức tượng đúc đồng đến đồ trang trí bằng gỗ đều được sắp đặt một cách ngẫu hứng trên kệ gỗ.
Mua sắm xong xuôi, lúc chuẩn bị bước ra khỏi cửa hàng, một trong hai cô dường như vẫn còn lưu luyến thứ đồ nào đấy, bèn quay người lại nhìn. Không ngờ… “xoảng!” một âm thanh chát chúa vang lên, chiếc bình ngũ sắc đặt trên kệ gỗ bị cánh tay cô va mạnh, rơi xuống đất vỡ tan tành.
“Thủ phạm” hốt hoảng, lóng nga lóng ngóng không biết phải làm gì, đứng nghệch mặt ra trước đống mảnh vụn. Khi ấy, chủ cửa hàng xuất hiện trước mặt khách, nhẹ nhàng lên tiếng:
“Có làm cho cô sợ không ạ?”
Cô gái lấy lại bình tĩnh, luôn miệng xin lỗi, hỏi rằng cô phải bồi thường thiệt hại bao nhiêu.
Thật bất ngờ, chủ cửa hàng nói:
“Cô không phải bồi thường đâu! Tôi còn phải cảm ơn cô nữa ấy chứ! Cô đã giúp tôi nhận ra nên sắp đặt sản phẩm thế nào cho hợp lý, tránh để vướng chân khách hàng. Xin cảm ơn và rất hoan nghênh hai cô đến cửa hàng chúng tôi”.
Cuối cùng, cô gái ấy đã mua thêm một tượng đồng nữa. Người bạn đi cùng thấy thú vị trước cách ứng xử của ông chủ nên cũng mua liền hai chiếc mâm ngũ sắc.
Trên thế giới, ở đâu cũng vậy, đã kinh doanh thì mục đích sau cùng vẫn là kiếm tiền. Nhưng “quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (người quân tử xem trọng của cải nhưng để có của cải trước hết phải có đạo lý). Trong chữ “đạo” này, uy tín và danh dự rất quan trọng. Tiếc thay, trong kinh doanh, nhiều người còn chưa tiếp thu được bí quyết quan trọng ấy, bị cuốn vào giấc mơ phát tài khi còn chưa thiết lập uy tín và danh dự để bước dần lên nấc thang của chữ “đạo”.
Nghệ thuật kinh doanh có cả một quá trình hình thành, chúng ta đang dò dẫm từng bước trong quá trình đó. Chỉ có khách hàng – nhân vật chính trong kinh doanh – mới có thể chỉ dạy chúng ta, giúp chúng ta thấm nhuần chữ “đạo”.
Để lại một bình luận