Ai cũng có các phẩm chất và khả năng lãnh đạo, nhưng sự khác biệt nằm ở việc mỗi người lựa chọn và phát triển chúng như như thế nào. Kể cả những người có “gen lãnh đạo”, muốn trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả cũng phải có con đường phát triển của riêng mình.
Có thể bạn là người xuất sắc nhất trong lĩnh vực nào đó, nhưng bạn vẫn phải đối mặt với vô vàn vấn đề và tình huống đòi hỏi phải tìm các chiến lược mới để giải quyết chúng. Nhà lãnh đạo phải nhìn vấn đề bằng con mắt của hiện tại và tương lai. Mỗi người có thể tự phát hiện và phát triển khả năng lãnh đạo tiềm ẩn của mình.
* Biết rõ mục đích, mục tiêu của mình. Mỗi người có một mục đích riêng trong cuộc đời. Mọi người thường mong ước những điều mà cuộc đời mang lại cho họ hơn là tạo ra “cuộc đời” cho những mong ước của mình. Nếu bạn có cái nhìn rõ ràng về mục đích của mình, hãy hướng theo mục đích đó. Cho dù hoàn cảnh hiện tại có thế nào đi nữa cũng luôn có lối thoát. Các mục tiêu có thể trở thành “bản đồ chỉ dẫn” cho bạn thực thi các kế hoạch.
* Quản lý danh tiếng. Danh tiếng là tài sản quý giá. Việc quản lý danh tiếng hiệu quả đòi hỏi bạn phải hiểu mình đã gây dựng danh tiếng đó như thế nào và cách nào duy trì cũng như nâng cao nó. Nhà lãnh đạo hiệu quả là tấm gương cho mọi người đi theo và ngược lại, điều này cũng đóng góp cho danh tiếng của riêng họ. Danh tiếng của bạn có thể mang lại nhiều lợi ích trong quá trình phát triển khi nó được quản lý và sử dụng một cách khôn ngoan.
* Mở rộng đầu óc. Các nhà lãnh đạo biết rằng họ không biết tất cả mọi câu trả lời cho các câu hỏi của cuộc sống. Trong cuốn sách “Từ giỏi tới vĩ đại”, tác giả Jim Collín cho rằng phẩm chất đầu tiên chứng tỏ một nhà lãnh đạo thành công đó là sự khiêm nhường. Các nhà lãnh đạo khiêm nhường luôn cởi mở tiếp nhận các đóng góp và biết rằng thành công của họ phụ thuộc vào nỗ lực tập thể. Để giành được thành công, phải biết nắm bắt mọi khả năng có thể.
* Liên tục hoàn thiện. Các nhà lãnh đạo ở trong một vòng quay vô tận của việc hoàn thiện chính mình và cải thiện những gì họ gặp. Họ tìm hiểu những tài liệu, thông tin mới nhất trong lĩnh vực của mình để mở rộng phạm vi và cách thức mà họ lãnh đạo. Họ cung cấp một nguồn thông tin phong phú cho những người khác, họ tự học và tìm các cơ hội để mở rộng chân trời của mình.
* Hợp tác để cùng phát triển. Hai cái đầu bao giờ cũng hơn một cái đầu. Nếu cùng một thành công như vậy, nhưng nếu đó là nỗ lực hợp tác của cả tổ chức, thì thành công ấy sẽ đáng giá hơn nhiều so với việc lãnh đạo thuê những người giỏi ở bên ngoài về giải quyết. Hợp tác có thể giải quyết được nhiều vấn đề và tạo ra nhiều cơ hội phát triển.
* Lãnh đạo phát triển lãnh đạo. Cách tốt nhất để phát triển kỹ năng lãnh đạo là giúp người khác trở thành lãnh đạo. Vì bận bịu, bạn rất dễ sa vào các hoạt động thường ngày và quên mất sự phát triển cho riêng bạn và cho cấp dưới. Nhưng khi lãnh đạo bắt đầu phát triển những người lãnh đạo tiềm năng khác, họ sẽ có nhiều thay đổi trong nhận thức. Khi đó, làm xong việc không đủ mà phải nhận thức đầy đủ về kết quả nữa.
* Phát triển từ những sai lầm: Là một nhà lãnh đạo, mọi người sẽ nhìn bạn để mong có sự chỉ đạo. Bạn phải sử dụng triệt để các nguồn kiến thức và thông tin mình có để ra được quyết định tốt nhất. Có thể bạn sẽ mắc phải những sai lầm nhưng hãy nhớ rằng, có nhiều giá trị từ chính những sai lầm ấy nếu bạn dành thời gian để học và rút kinh nghiệm từ chúng. Lãnh đạo luôn chịu trách nhiệm vì những sai lầm mà họ mắc phải. Nếu bạn mắc phải sai lầm nghiêm trọng, dành thời gian cần thiết để xác định nguyên nhân gốc rễ mà đã tạo điều kiện cho những sau lầm ấy. Bạn phải biến những sai lầm đáng giá thành những mỏ vàng tiềm năng. Đó cũng là cách để phát triển.
Để lại một bình luận