‘Chim lợn’ nơi công sở

‘Chim lợn’ nơi công sở
0 Shares

“Chim lợn” nơi công sở
Vân của bây giờ hoàn toàn khác Vân của ngày mới vào công ty. Vân ngày xưa hiền lành, ít nói. Cô luôn là người đến sớm nhất, đun nước, chuẩn bị cà phê cho mọi người, sẵn sàng làm mọi việc đồng nghiệp nhờ vả mà không hề than phiền và luôn về muộn nhất.

Nhưng mọi chuyện thay đổi nhanh chóng khi cô nhận được sự tín nhiệm của mọi người. Tham vọng bắt đầu xuất hiện, Vân muốn đạp đổ tất cả những người có biểu hiện hơn mình trong phòng kinh doanh và vì thế, Vân trở thành “chim lợn” nơi công sở.

Vẫn là người đi sớm nhất công ty nhưng Vân đi sớm để chấm công xem ai đi muộn, ai quên không đeo thẻ, ai quần áo lôi thôi… để cuối tháng trừ điểm thi đua và tiền lương.

Nếu mọi chuyện chỉ có thế thì cũng không mấy gây bực bội cho mọi người. Vân đi xa hơn trong trò soi mói của mình. Cô có một quyển sổ chuyên dùng để ghi những điều nhỏ nhặt, những phát ngôn không mấy đẹp đẽ của mọi người và tất nhiên, cô dùng nói vào việc nói xấu.

Ở với người này thì nói xấu người kia và ngược lại. Chuyện đời tư của đồng nghiệp cũng bị Vân bới móc. Cô từng làm một nhân viên xấu hổ tới mức phải xin nghỉ việc khi đem chuyện cô gái ấy bị chồng đánh thâm tím mặt mày chứ không phải là bị ngã để kể với mọi người.

Nhưng Vân rất cao tay trong việc nói xấu đồng nghiệp. Không bao giờ cô đứng ra nhận mình là người nói những điều ấy mà luôn là “em nghe chị Minh nói chị thế này, thế kia… nhưng mà em không tin đâu. Đời nào chị lại thế. Em nói để chị biết nhưng chị đừng nói ra kẻo mọi người lại mất đoàn kết…”.

Một chiêu đã cũ nhưng lúc nào cũng có tác dụng. Mọi người vì thế vẫn giữ tình cảm yêu quý với cô.

Vân còn là “gián điệp” cho sếp vì mọi chuyện của các đồng nghiệp trong công ty đều được cô báo cáo lại đầy đủ cho sếp của mình. Người bị Vân cho vào trò chơi nói xấu của mình nhiều nhất là cô bạn tên Minh. Đây là người có khả năng nhất phòng kinh doanh và rất có thể Minh sẽ được ngồi vào ghế trưởng phòng – niềm mơ ước của Vân.

Những lá thư nặc danh nói xấu Minh được gửi tới phòng sếp. Tất nhiên tác giả là Vân nhưng trước mặt cô vẫn ra sức bảo vệ Minh. Nói có người ghen ghét mới bày trò làm càn. Nhưng sếp thì để ý nhiều đến Minh hơn.

Càng chú ý quan sát, ông càng thấy Minh có nhiều thói xấu và làm ăn không mấy minh bạch. Tiền từ các dự án bị hụt thiếu mà không sao làm rõ được. Trong thư lại ghi rằng Minh ở công ty cũ bị đuổi việc là do đã ăn chặn tiền công quỹ. Sếp lại càng thêm nghi ngờ. Nhưng điều tra không ra nên mọi việc đành bỏ ngỏ.

Thấy mọi chuyện vẫn chưa đi theo chiều hướng như mình mong đợi, Vân giở tiếp chiêu thứ hai. Minh đã ê chề nhục nhã và ngơ ngác không hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào khi bị một bà sồn sồn lao đến tận công ty giật tóc, xé quần áo, chửi mắng đánh ghen.

Bà ta buông những lời lẽ cay độc rằng Minh là kẻ cướp chồng, là đồ lẳng lơ… cái nhìn của sếp đối với Minh càng thêm ác cảm. Cô coi như không còn hi vọng gì đối với chức trưởng phòng nữa.

Xem thêm  10 bí quyết thành công cho sinh viên kỹ thuật

Mục đích đã đạt được nhưng Vân như đã quen với việc soi mói, nói xấu người khác, cô thậm chí còn sắm hẳn cho mình một cái máy ghi âm chuyên dụng, khéo léo ghi lại những cuộc tán gẫu của mình với đồng nghiệp trong giờ giải lao, giờ ăn trưa để khi về nghe lại, lọc thông tin, chuẩn bị cho quá trình “chim lợn” của mình.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng bị lộ, mọi người dần tìm ra nguyên nhân gây ra những bất hòa trong công ty đều từ Vân mà ra. Lắm khi chị em ngồi nói chuyện, đùa vài ba câu, hoàn toàn không có ý chê bai, nói xấu nhưng qua miệng Vân thì nó trở thành thông tin nói xấu một cách tệ hại.

Dần dần mọi người thấy sợ Vân, không ai tỏ thái độ coi thường cô nàng vì sợ mình sẽ trở thành nạn nhân của trò “chim lợn”. Đồng nghiệp tránh nói chuyện với Vân, nếu có thì cũng phải để thái độ đề phòng, cảnh giác lên cao độ nếu không “lỡ lời một cái là mình thành người xấu”.

Thế rồi chính Vân trở thành nạn nhân của trò nói xấu thường xuyên của mình. Mọi người viết sẵn kịch bản, đưa cô vào tròng và ghi âm những câu Vân nói xấu sếp, gửi nặc danh đến cho sếp.

Tất nhiên sếp thất vọng về cô “gián điệp” của mình vô cùng. Hết những đặc quyền, những ưu đãi, Vân còn bị đồng nghiệp ghét ra mặt. Cuối cùng cô đành viết đơn xin nghỉ. Có lẽ đây là minh chứng rõ ràng nhất cho câu “gậy ông lại đập lưng ông”.

Đồng nghiệp giấu mặt chơi xấu
Câu chuyện được chúng tôi ghi lại dưới đây là những lời kể của Lan, cô sinh viên khoa Văn của một trường đại học danh tiếng, đã đi làm được ba năm. Trong ba năm đi làm, cô đã phải đổi rất nhiều công ty chỉ vì đồng nghiệp ghen ghét với năng lực của Lan nên bày trò chơi xấu.

Ra trường, Lan đi xin việc với một hồ sơ đẹp đẽ. Cô được nhận vào làm cho biên tập tin bài và xuất bản bài cho một website. Là dân văn nên Lan viết lách khá tốt. Tuy mới vào, cô đã nhận được sự ưu ái của sếp. Chính điều đó khiến các đồng nghiệp thấy khó chịu.

Trước đây, tin bài Lan viết xong đều lưu lại trong máy tính ở công ty. Giờ tất cả đều biến mất hết. Máy tính của cô còn bị nhiễm virus nặng. Mọi người đẩy Lan vào trạng thái bị cô lập. Không chịu được thái độ của đồng nghiệp, Lan xin nghỉ. Và ở cả 3 công ty sau đó cô cũng nhanh chóng xin thôi việc vì bị đồng nghiệp chơi xấu tương tự. Lần bị chọc đểu khiến Lan nhớ nhất là khi cô bị đồng nghiệp đặt bẫy để khiến cô mất điểm với sếp.

Sếp Lan là một người rất mê tín. Bà thờ thần khấn Phật ở khắp nơi. Thậm chí khi tuyển nhân viên vào trong công ty mình, ngoài yêu cầu về năng lực, trình độ, bà còn ngầm kiểm tra xem người đó có hợp vía, hợp tuổi với mình không.

Khi Lan vừa được nhận vào đã được sếp ưu ái đặc biệt. Số là ông thầy mà sếp vẫn theo phán rằng số Lan vô cùng hợp mệnh bà, có cô bên cạnh thì nhất định công ty ăn nên làm ra. Có thể coi cô như quý nhân phù trợ cho con đường quan lộ của bà nên bà yêu quý lắm.

Xem thêm  Mẫu CV tiếng Anh xin việc chuyên nghiệp chuẩn nhất, mới nhất 2023

Thêm phần, Lan rất giỏi chuyên môn nên nghiễm nhiên cô trở thành “tâm phúc” của sếp. Điều này khiến nhiều người thấy nóng mặt và tất nhiên, họ phải xả giận. Bám vào tâm lý mê tín của sếp, hễ cứ có chuyện xảy ra trong công ty là họ lại đổ cho Lan mang vận đen về. Các đồng nghiệp nói với sếp: “Lan hết thời rồi sếp ơi. May mắn không đến mãi được. Giờ cô ta chỉ ám công ty mình”.

Nhưng sếp vẫn không lay chuyển. Chỉ đến khi bà tự dưng ốm nặng, ông thầy bói được lời nhờ vả của các đồng nghiệp của Lan phán xanh rờn rằng bà ốm là vì bị một người ám. Người này vía nặng trước mang về nhiều vận đỏ nhưng giờ thì ngược lại. Nếu không đuổi nhanh thì cả công ty đều sập.

Sếp bà càng thêm tin lời thầy khi nghe nhân viên nói rằng tìm thấy một đống bùa trong túi xách của Lan. Mà theo thầy bói, đống bùa đó Lan dùng để yểm sếp và hãm lại sự phát triển của công ty.

Sau trận ốm, sếp dè chừng Lan hơn, bà bắt đầu để ý những cử chỉ và thói quen của cô. Càng để ý bà càng moi ra nhiều thứ không vừa lòng nhưng vì Lan có chuyên môn tốt nên sếp vẫn để cô làm tại công ty. Những kẻ chọc phá chưa hả lòng với điều đó. Họ muốn Lan nhất định phải xin thôi việc.

Lan bị cho ra ngoài rìa khi phòng nhận được những dự án mới. Cô bị đẩy xuống làm chân chạy nước, photo tài liệu. Có những việc sếp chỉ đích danh Lan làm nhưng đồng nghiệp không truyền đạt lại cho cô. Đã hơn 3 lần vì chuyện đó mà công ty mất đi hợp đồng lớp. Sếp lại càng thêm tin vào lời bói toán rằng đã đến lúc Lan mang lại vận xui cho mình. Để sếp thấy Lan không hề chuyên tâm vào công việc, các đồng nghiệp thường lợi dụng lúc Lan ra ngoài để vào máy tính của cô chát chít, mua sắm online, nói xấu sếp qua yahoo. Bằng phần mềm theo dõi sếp đều biết cả. Và bà cho rằng Lan đã ỷ vào sự yêu mến của mình để tung hoành, không coi kỉ luật ra gì.

Dù gì cũng một thời thân thiết, sếp không đuổi thẳng Lan mà hẹn cô nói chuyện. Sếp nói chân thành lòng mình và xin Lan viết đơn nghỉ việc. Tất nhiên là Lan đồng ý. Cô không chấp nhận được một môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp, ghen ghét nhau như vậy.

Đời sống công sở là sự tổng hợp của nhiều tính cách, nhiều thành phần, nhiều trình độ khác nhau. Sự xích mích xảy ra trong quá trình giao tiếp, hoạt động chung là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy, điều hòa được mối quan hệ đồng nghiệp trong công ty là điều tối quan trọng để giúp mọi người thoải mái, hết lòng vì công việc.

Khi bị chơi xấu, thay vì trả thù, hãy bình tĩnh bỏ qua và chứng minh cho người chơi xấu mình thấy họ đã sai và phải bẽ bàng vì những chuyện mình đã làm. Nên nhớ rằng khách hàng là thượng đế và bây giờ, đồng nghiệp cũng là thượng đế.

Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại Đọc Ngẫm :

  • Việc làm Tân Phú
  • Tìm việc làm Quận 5
  • Việc làm khách sạn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *