Nếu bạn không chắc nên bắt đầu từ đâu hoặc những gì cần đưa vào CV, hãy thử xem các gợi ý của Đọc Ngẫm .
Qua CV, hãy cho nhà tuyển dụng thấy khả năng tự học hỏi của bạn
1. Địa chỉ email trông chuyên nghiệp
Bạn đã lập một địa chỉ email chuyên nghiệp chưa?
Những địa chỉ không phải tên thật mà là một cái tên nước ngoài hoàn toàn (nhân vật game, truyện tranh, hoạt hình, tên ca sĩ…), có các tính từ (boy_codon, girl_langman…) hoặc là một từ Hán Việt không phải tên thật… có thể ‘cool ngầu’ ở trường Đại học, nhưng sẽ không được các nhà tuyển dụng coi trọng.
2. Một đường dẫn đến CV trực tuyến
Bạn không nên đưa nhà tuyển dụng một bản CV dài 3 trang giấy. Nhưng nếu bạn đủ hấp dẫn, có thể nhà tuyển dụng sẽ muốn biết nhiều hơn về bạn. Bạn cần gắn một đường link đến bản CV chi tiết hơn mà bạn đã tạo trên CVHay, hoặc hồ sơ LinkedIn.
Với LinkedIn, bạn cũng nên vào phần Profile > Edit Public Profile & URL > Edit your custom URL để chỉnh tên và độ dài đường dẫn. Điều đó giúp đường dẫn trên CV trông ngắn gọn và chuyên nghiệp hơn.
3. Phần chuyên môn không hoa mĩ
Thật không dễ dàng để một người trẻ làm đẹp phần chuyên môn khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng nhà tuyển dụng vẫn muốn biết bạn thực sự có thể làm được gì hơn là những từ hoa mĩ nhưng thiếu thông tin như: “tham vọng”, “tự xây dựng sự nghiệp”, “yêu công việc”…
Hãy nói ra các dẫn chứng cho năng lực. Ví dụ: bạn đã dẫn dắt đội thi Olympic vào vòng chung kết toàn quốc, công trình nghiên cứu khoa học của bạn được giải thưởng…
4. Tối ưu hóa bằng các từ khóa
Muốn nhận được công việc nào, bạn phải hiểu công việc đó. Nếu đã tìm ra công việc yêu thích, hãy đọc kỹ bản mô tả công việc và chú ý các từ khóa về chuyên môn, năng lực được sử dụng trong đó. Nếu đó cũng là những chuyên môn, năng lực bạn có, hãy đưa vào CV.
Với CV chung mà bạn dự định gửi đi khắp nơi, hãy tìm các từ khóa xuất hiện thường xuyên ở các tin tuyển dụng của các công ty trong ngành. Đưa chúng vào phần Năng lực hoặc Kinh nghiệm nếu bạn đã thực sự có trải nghiệm và tin mình thể hiện được.
5. Bỏ qua thông tin về thời trung học
Dù là các danh hiệu Học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thủ khoa đầu vào cấp 3… bạn cũng không nên đưa vào CV. Các nhà tuyển dụng quan tâm đến những gì bạn đã học được, làm được trong 4 năm học đại học hơn. Hãy tập trung vào việc làm nổi bật các hoạt động, thành tích và kinh nghiệm làm việc – thử việc có khả năng hỗ trợ cho công việc tương lai.
6. Bỏ qua các điểm số
Bạn có thể bỏ qua điểm thi đại học, điểm trung bình môn… nếu có con số làng nhàng. Chỉ nên đưa vào CV nếu bạn được học bổng toàn phần của một Đại học, tổ chức lớn, tốt nghiệp thủ khoa, bằng Giỏi hoặc điểm trung bình năm, điểm khóa luận cao vượt bậc…
7. Bỏ qua các môn học
Không cần nhắc đến những môn mà bạn đã được học trên giảng đường. Nhà tuyển dụng chỉ coi trọng thành tích học tập cao nhất, kết quả thực tập đáng chú ý hoặc thông tin về kinh nghiệm làm thêm (liên quan đến chuyên môn hoặc có thể hỗ trợ chuyên môn).
Nhớ làm nổi bật các thành tích tốt từ kỳ thực tập
8. Bổ sung thông tin đào tạo bên ngoài
Hãy đưa tên các chứng chỉ, các chương trình đào tạo bên ngoài mà bạn đã tham gia để nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn có sự chuẩn bị cẩn thận cho sự nghiệp.
Các dự án nghiên cứu, chiến dịch truyền thông – bán hàng – sản xuất…, danh hiệu học tập/ thể thao, công việc tình nguyện thể hiện vai trò và kỹ năng lãnh đạo của bạn cũng rất đáng giá. Nhớ đặt chúng đúng chỗ trong Thành tích, Năng lực và Kinh nghiệm.
9. Mô tả công ty trong Kinh nghiệm
Nên có 1 dòng mô tả bên dưới mỗi công ty mà bạn đã thực tập – làm thêm. Nếu danh sách quá dài, hãy loại bỏ những công ty/công việc không thực sự liên quan đến chuyên môn của bạn, trừ khi bạn đạt được vị trí hiếm khi dành cho sinh viên thực tập ở đó (ví dụ: cửa hàng trưởng). Thậm chí bạn có thể gộp tên các công ty lại nếu bạn đã làm cùng một công việc ở đó.
Thứ tự là: Tên công ty > Mô tả công ty > Mô tả vị trí, kinh nghiệm của bạn tại đó.
10. Sử dụng gạch đầu dòng, hoa thị
Với cột thông tin mà bạn muốn nhà tuyển dụng chú ý, hãy sắp xếp khoa học, có thứ tự và sử dụng gạch đầu dòng, hoa thị để nhìn khoa học, nổi bật hơn. Đặc biệt cho phần Kinh nghiệm và Thành tích.
11. Sử dụng động từ cho phần Kinh nghiệm
Hãy nói trực diện bạn đã làm gì tại công ty đó bằng các động từ. Ví dụ: cải tiến, dẫn dắt, phát triển, xây dựng, thiết kế… để mô tả hoạt động. Điều này quan trọng để thể hiện khả năng làm việc của bạn, vì bạn vốn không có nhiều thành tích và đóng góp lớn để đưa vào CV.
12. Hoạt động ngoại khóa và danh hiệu
Có thể bao gồm bất kỳ dự án hoặc hoạt động ngoại khóa nào bạn đã tổ chức khi học đại học, cũng như bất kỳ học bổng hoặc danh hiệu nào khác.
13. Các kỹ năng liên quan
Hãy xem kỹ bản mô tả công việc mà bạn quan tâm và lưu ý những kỹ năng kỹ thuật mà họ mong đợi ở ứng viên. Nếu có một chương trình phần mềm cụ thể hoặc kỹ năng ngôn ngữ mà bạn đáp ứng được, lập tức liệt kê trong CV. Nếu đó là một kỹ năng hoặc công cụ được đề cập đến ở nhiều công ty mà bạn chưa kịp học, hãy đăng ký ngay các khóa đào tạo.
Nếu bạn đủ hấp dẫn nhà tuyển dụng, việc bạn đang học chúng (và sẽ đạt chứng chỉ) cũng có thể là một yếu tố được cân nhắc giúp bạn có cơ may lọt vào vòng trong.
14. Bỏ qua các tài liệu đính kèm
Ngoài CV, bạn không cần bổ sung thêm file/ hồ sơ công chứng của bảng điểm đại học, bằng đại học, chứng chỉ ghi nhận thành tích… nếu không được yêu cầu. Nếu cần, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn gửi hoặc mang theo đến buổi phỏng vấn.
15. Lời giới thiệu của nhân sự uy tín
Thật tuyệt vời nếu bạn nhận được một lời đánh giá cao từ cấp trên ở nơi thực tập, trưởng bộ môn, người hướng dẫn làm nghiên cứu khoa học… để đưa vào CV. Nhưng đó nên là một câu ngắn gọn. Hoặc đơn giản là tên và số điện thoại, email của họ để nhà tuyển dụng chủ động liên lạc nếu cần. Miễn là bạn đảm bảo được người giới thiệu phải thực sự có ấn tượng tốt và nhớ rõ về bạn.
Đọc Ngẫm chúc bạn thành công trên con đường khởi đầu của sự nghiệp!
Để lại một bình luận