Thông thường, nhân tướng được đánh giá là tốt khi mọi bộ vị đều vừa phải, cân xứng. Tuy nhiên, trong nhân tướng cũng có những bộ tướng cách đặc biệt được xếp vào hàng quý tướng như tướng ngũ trường, ngũ đoản, ngũ hợp, ngũ tú, ngũ lộ, lục đại, lục tiểu.
Tướng ngũ trường là gì? Luận giải về tướng ngũ trường
Tướng ngũ trường là tướng có 5 bộ phận trên cơ thể dài gồm:
- Đầu dài
- Mặt dài
- Thân dài
- Tay dài
- Chân dài
Tướng ngũ trường là một trong những tướng cách đặc biệt, được xếp vào hàng quý hiển (quý ở đây có nghĩa là tốt, thượng thừa).
Tướng ngũ trường thuộc hàng quý tướng thì xương thịt phải đầy đặn, dáng thanh khỏe; mặt thanh tú tươi nhuận; tóc lông mềm mại, mượt mà. Ngũ nhạc, Ngũ quan chầu nhau, hài hòa phù hợp với cả khuôn mặt. Loại tướng này được xếp vào loại phú quý song toàn nhưng phần quý hiển nặng hơn phần phú túc.
Nếu chỉ ngũ trường về hình thức mà thực chất lại kém cỏi: ví dụ tướng xương thịt khô xạm, cằn cỗi, thần thái ủ rũ, trơ xương lộ gân hoặc thịt bộ xương nhỏ đều là tướng hạ tiện.
Trong số Ngũ trường, vẫn có một số trường hợp thiếu một bộ vị không đạt chuẩn. Nếu chân ngắn mà 4 bộ phận còn lại vẫn dài, tướng ngũ quan tốt thì vẫn không trở thành tướng xấu. Nếu tay ngắn thì bao nhiêu điểm tốt lại trở thành điểm xấu, vì đây là tướng bần hàn, đê tiện. Để nhớ về hai trường hợp này, người xưa đúc kết trong câu “Cước trường, thủ đoản nhân đa tiện”.
Để biết thế nào là tướng ngũ quan, tướng ngũ nhạc tốt, tìm hiểu thêm tại :
- Luận giải về ngũ quan
- Luận giải về ngũ nhạc
Tướng ngũ đoản là gì? Luận giải về tướng ngũ đoản
Một người được gọi là tướng ngũ đoản khi có:
- Đầu ngắn
- Mặt ngắn
- Thân ngắn
- Tay ngắn
- Chân ngắn
Tướng ngũ đoản cũng được xếp vào một trong những tướng quý. Tương tự như tướng ngũ trường, tướng ngủ đoản cũng chỉ đắc cách khi xương thịt cân xứng, thần thái uy nghi, Ấn đường sáng sủa. Đây là tướng đại phú quý.
Trái lại, nếu Ngũ đoản mà thịt bệu, xương thô, tai dơi, mắt chuột, Ngũ quan, ngũ nhạc lệch lạc, nửa thân dưới dài mà nửa thân trên lại ngắn,… thì khó tránh khỏi cuộc đời quẫn bách, tầm thường.
Lưu ý: Ngũ đoản đều đặn mà trên dài, dưới ngắn mới quý, còn ngược lại thì lưu lạc lênh đênh thành bại bất thường.
Tướng ngũ hợp là gì? Luận giải về tướng ngũ hợp
Tướng ngũ hợp khi có đầy đủ các điều kiện sau:
- Xương cốt ngay ngắn, phối hợp cân xứng kết hợp với ngôn ngữ thẳng thắn, có cương có nhu tùy theo hoàn cảnh, gọi là Thiên địa tương hợp.
- Nhìn ngắm nhân vật hay sự vật mà ánh mắt ổn định, âm thanh trong trẻo, trang nhã, thân hình diện mạo có vẻ chắc nặng mà bước chân nhẹ nhàng thì gọi là tướng Thiên quang tương hợp.
- Khí trong sáng, linh hoạt: sắc thanh khiết không có bất cứ dấu vết hà tỳ nào thì gọi là tướng Thiên tâm tương hợp.
- Kiến thức rộng rãi bao la mà biết quyền biến thích đáng, độ lượng lớn nhưng quyết đoán sáng suốt thì gọi là Thiên cơ tương hợp.
- Kính cẩn khiêm cung đối với mọi người trên dưới đúng theo mức độ cần thiết, yêu mến bạn bè, nói được là làm được, giữ được tín nghĩa thì gọi là Thiên luân tương hợp.
Người nào có đủ tướng Ngũ hợp là kẻ Nhân thương chi nhân, có được một trong Ngũ hợp thì mới có thể được là người, còn không chỉ đáng xếp vào hàng nhân diện thú tâm mà thôi.
Tướng ngũ lộ là gì? Luận giải về tướng ngũ lộ
Một người đươc xếp vào tướng ngũ lộ khi có các đặc điểm sau:
- Mắt lồi là Nhãn lộ: chủ về mạng sống ngắn ngủi
- Lỗ mũi hếch gọi là Tỵ lộ: chủ về nghèo đói chết đường
- Tai có luân quách đảo ngược gọi là Nhĩ lộ: chủ về bản chất ngu đần
- Môi vẩu và loe ra thì gọi là Khẩu lộ: chủ về chết thảm
- Yết hầu lồi và trơ xương thì gọi là Hầu lộ: chủ về nghèo túng, vất vả.
Trong 5 tướng lộ, nếu nhất nhị lộ (có 1 hoặc 2 tướng lộ) là tướng xấu, khó lòng mà phát đạt. Nên mới có câu “Nhất lộ nhị lộ có áo không quần, được quần mất áo”.
Thế nhưng, nếu có tướng ngũ lộ thì lại thường quý hiển. Tuy nhiên, có thực sự đạt đến quý hiển hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố phụ trợ đi cùng như:
- Khẩu lộ thì phải có hàm răng đều đặn, tươi tắn.
- Nhãn lộ nhưng ánh mắt có chân quang.
- Nhĩ lộ nhưng có đủ vành trong, vành ngoài, có thùy châu tươi và mập.
- Tỵ lộ nhưng chuẩn đầu tròn, mập, khí sắc tươi thắm
- Hầu lộ nhưng âm thanh vang dội và trong trẻo
Trên thực tế có rất ít người đạt vào tướng ngũ lộ mà thường rơi vào trường hợp có một hoặc hai tướng lộ.
Tướng ngũ tú là gì? Luận giải về tướng ngũ tú
Đây là năm loại tướng quý căn cứ vào thực chất để định phú quý, thọ khang. Có một phần Tú là một phần quý hiển, nếu có đủ cả Ngũ tú (năm đặc điểm tốt đẹp) thì phú quý, thọ khang đầy đủ.
Ngũ tú gồm có:
- Cốt tú: răng đều hay không đều không thành vấn đề. Điều cần thiết là răng phải chắc chắn tươi sáng rực như ngọc ngà không có vết.
- Nhục tú: Sắc mặt lúc nào cũng hồng hào tươi tỉnh.
- Huyết tú: Lông mày thanh nhã, mịn màng và chất của lông mày cũng như sự thưa mỏng của nó tương xứng với tóc và râu.
- Khí tú: tiếng nói trong trẻo có âm lượng vang ra xa. Trong xem tướng, người ta đã liệt việc xem tướng âm thanh vào loại tướng pháp thượng thừa.
- Chất tú: Mắt sáng, tia mắt long lanh, có thần khí thu tàng như tinh tú tự phát ra ánh sáng ban đêm: sáng mà êm dịu. Để đoán định về thần mắt, bạn nên học thêm Cách xem thần mắt.
Tướng lục đại là gì? Luận giải về tướng lục đại
Tướng lục đại là tướng có 6 bộ vị lớn gồm: đầu lớn, mặt lớn, tai lớn, mũi lớn, miệng lớn và bụng lớn. Nếu tất cả đều ngay ngắn và cân xứng thì đó là tướng quý.
Ngược lại, nếu lục đại mà tướng phạm vào các trường hợp sau thì lại là tướng Lục đại bần yểu:
- Đầu lớn mà trán không có Nhật giác, Nguyệt giác (tức là trán không gồ).
- Mắt tuy lớn nhưng ánh mắt láo liên hoặc mờ ám.
- Mũi tuy lớn nhưng sống mũi trông yếu ớt.
- Miệng tuy lớn nhưng không rõ luân quách.
- Bụng tuy lớn nhưng hếch lên
Tướng lục tiểu là gì? Luận giải về tướng lục tiểu
Tướng lục tiểu là tướng có 6 bộ vị đều nhỏ gồm: trán, mắt, mũi, miệng, tai, bụng đều nhỏ. Cũng tương tự lục đại, lục tiểu cũng có lục tiểu quý tướng và lục tiểu tiện tướng.
Lục tiểu quý tướng khi:
- Trán nhỏ nhưng đều đặn vuông vắn
- Mắt nhỏ nhưng sống mũi thẳng và ngay ngắn
- Tai nhỏ nhưng đầy và Thùy châu rõ ràng, hướng về miệng
- Bụng nhỏ nhưng xuôi.
Ngoài ra, thân mình phải cân xứng với khuôn mặt mới thực sự là tốt.
Lục tiểu tiện tướng khi:
Nếu 6 bộ phận trên đều nhỏ nhưng không hội đủ những điều kiện vừa kể thì bị xếp vào loại tướng tiện (không ra gì). Người có tướng lục tiểu khuyết hãm chẳng những trí óc đần độn hoặc lệch lạc mà mạng vận cũng trì trệ, thọ mạng ngắn ngủi.
Một số bộ tướng cách đặc biệt khác
7 bộ tướng cách trên được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá. Tuy nhiên, các sách xưa cũng có thêm một số bộ tướng cách đặc biệt khác dựa trên sự bất cân xứng giữa các bộ phận căn bản trên con người mà đặt ra những bộ tướng cách hỗn tạp như:
- Tứ tiểu, nhất đại
- Tam tiểu, nhị đại
- Ngũ tiểu, nhất đại
- …
Đối với các tướng cách hốn tạp, có hai điều mà bạn cần lưu ý:
- Dù hình thức và thực chất có hoàn hảo thì sự hỗn tạp trên cũng không bao giờ đưa đến phú quý song toàn hoặc bền vững cả.
- Mức độ xấu của tướng cách hỗn tạp tùy thuộc vào nhiều yếu tố: bộ vị chủ yếu, khí sắc, tinh thần khí phách.
Để lại một bình luận