Biện pháp quản lý đối với lao động nước ngoài theo Bộ Luật Lao động 2019 và Nghị định 152/2020/NĐ-CP mới nhất.
1. Về biện pháp quản lý đối với lao động nước ngoài:
Thực chất Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 152/2020 NĐ-CP của Chính phủ, là các văn bản thừa nhận việc sử dụng lao động nước ngoài và quy định các vấn đề quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Có thể hiểu hành vi quản lý chính yếu nhất là thiết kế mô hình và chính sách quản lý lao động ngoài làm việc tại Việt Nam. Mô hình quản lý này xác định mối quan hệ quản lý chủ yếu bao gồm:
(1) quan hệ giữa chủ thể quản lý là các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương với đối tượng bị quản lý là người sử dụng lao động nước ngoài và người lao động nước ngoài;
(2) quan hệ giữa các chủ thể quản lý ở cấp trung ương với nhau – đó là quan hệ giữa cơ quan có trách nhiệm quản lý chính là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Công an; và (3) quan hệ giữa người sử dụng lao động nước ngoài và người lao động nước ngoài. Mô hình quản lý này khá thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên chính sách đối với quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chưa được thể hiện rõ ràng trong Bộ luật Lao động 2019 trong khi chính sách đối với việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam tại các tổ chức và cá nhân nước ngoài ở Việt Nam được Bộ luật này quy định khá cụ thể tại Điều 168. Thông qua chính sách này có thể ngầm hiểu chính sách quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị giới hạn bởi vấn đề bảo vệ việc làm cho người lao động Việt Nam và thông qua hành vi quản lý có thể thấy trong chính sách này sự đề cao nguyên tắc bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Các hành vi quản lý cụ thể bao gồm từ quản lý vĩ mô tới quản lý vi mô. Quản lý vĩ mô bao gồm:
(1) ấn định người được sử dụng lao động nước ngoài và người lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam;
(2) quản lý nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài;
(3) xác định phương thức quản lý chủ yếu là cấp giấy phép lao động;
(4) ấn định chế tài đối với các hành vi vi phạm.
Từ đó xác định các hành vi quản lý vi mô bao gồm: xem xét trường hợp không cần cấp giấy phép lao động; cấp giấy phép lao động cho từng trường hợp cụ thể; kiểm soát mối quan hệ giữa người sử dụng lao động nước người và người lao động nước ngoài; và áp dụng chế tài đối với các trường hợp vi phạm cụ thể. Nghị định số 152/2020/ NĐ-CP của Chính phủ quy định khá chi tiết các hành vi quản lý cụ thể mà ở trên đã nói. Trong các hành vi này có thể phải kể đến sự sít sao trong quản lý kể cả trước và sau khi cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Chẳng hạn Điều 12, khoản 3, đoạn 2 của Nghị định số 152/2020/ NĐ-CP có quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết và bản sao giấy phép lao động đã được cấp tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó”. Ngoài ra cấp lại giấy phép lao động cũng là một hành vi quản lý vĩ mô quan trọng giúp cho việc xem xét lại sự cần thiết của việc cho phép người lao động nước ngoài cụ thể được làm việc ở Việt Nam hay không.
Đồng thời với việc kiểm tra việc tuân thủ pháp luật và tuân thủ hành vi quản lý như trên, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương thường xuyên kiểm tra lao động nước ngoài làm việc tại các địa phương và đưa ra các giải pháp phù hợp. Bởi tính chất phức tạp và đa dạng của việc quản lý lao động nước ngoài, các giải pháp linh động phù hợp với hoàn cảnh là quan trọng sống phải trên căn bản các nguyên tắc của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài. Quản lý lao động nước ngoài là một vấn đề khá nhạy cảm, có ảnh hưởng tới quan hệ quốc tế.
Hiện nay Nghị định số 152/2020/ NĐ-CP của Chính phủ quy định hai hình thức chế tài chủ yếu đối với lao động nước ngoài có hành vi vi phạm. Đó là chế tài thu hồi giấy phép lao động (Điều 17) và chế tài trục xuất người lao động nước ngoài (Điều 18). Người lao động nước ngoài bị thu hồi giấy phép lao động trong các trường hợp sau: nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động là giả mạo; giấy phép lao động hết thời hạn; người lao động nước ngoài hoặc người sử dụng lao động không thực hiện đúng theo nội dung giấy phép lao động đã được cấp; chấm dứt hợp đồng lao động; nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp; hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, dạy nghề, y tế hết thời hạn hoặc chấm dứt; văn bản của phía nước ngoài thông báo thôi cử người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người sử dụng lao động chấm dứt hoạt động; người lao động nước ngoài bị phạt tù giam, chết hoặc mất tích theo tuyên bố của Tòa án; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị bằng văn bản về việc thu hồi giấy phép lao động do người lao động nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Thẩm quyền thu hồi giấy phép thuộc về cơ quan cấp giấy phép. Chế tài trục xuất theo Nghị định số 152/2020/ NĐ-CP được xem là một chế tài hành chính do cơ quan trong bộ máy hành pháp áp dụng chủ yếu đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động mà không thuộc các trường hợp không phải xin giấy phép lao động. Chế tài được áp dụng bởi sự phối hợp giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và cơ quan công an với thủ tục chủ yếu là trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày xác định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động thì Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan công an trục xuất người lao động nước ngoài đó.
Ở Việt Nam chế tài trục xuất được sử dụng trong cả luật hình sự và cả luật hành chính. Bộ luật Hình sự hiện hành coi trục xuất là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung cho người phạm tội là người nước ngoài do tòa án áp dụng. Trục xuất được luật hành chính sử dụng trong việc quản lý xuất nhập cảnh, cư trú và giao cho Bộ trưởng Bộ Công an áp dụng đối với người nước ngoài mà (1) vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, bị xử phạt hành chính; (2) phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, và (3) phải áp dụng chế tài này vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội (Điều 17, Nghị định số 21/2001/NĐ- CP ngày 28/05/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam). Tuy nhiên chế tài hành chính này khó áp dụng đối với người nước ngoài vi phạm các quy định về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam bởi sự đánh giá tính chất nghiêm trọng của việc vi phạm và cân nhắc đối ngoại.
2. Xử lý vi phạm trong quản lý lao động nước ngoài:
Người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh không chỉ của pháp luật Việt Nam mà còn của các hiệp ước, công ước mà Việt Nam ký kết với các nước khác và pháp luật của nước mà người đó mang quốc tịch. Khi người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nếu vi phạm pháp luật về lao động sẽ giống như những người lao động trong nước cũng phải chịu những chế tài tương ứng. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu vi phạm hành chính sẽ bị xử lý hành chính, nếu thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nếu không có giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hạn (trừ các trường hợp không thuộc diện cấp phép) thì người lao động nước ngoài và NSDLĐ nước ngoài tại Việt Nam sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 32, Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm tại nước ngoài theo hợp đồng như sau:
– Không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 75.000.000 triệu đồng.
– Hình phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng. Đối với người lao động nước ngoài, bên cạnh các hình thức xử lý vi phạm kỷ luật tương tự như với lao động trong nước, tuy nhiên có chế tài xử lý đặc thù cho nhóm đối tượng này khi vi phạm pháp luật Việt Nam, đó là hình thức trục xuất và thu hồi giấy phép lao động. Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì giấy phép lao động của người lao động nước ngoài bị thu hồi khi giấy phép lao động hết hiệu lực, hoặc khi người lao động vi phạm các quy định về lao động nước ngoài tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Đối với hình thức trục xuất, người lao động nước ngoài sẽ phải về nước ngay lập tức và có thể sẽ không được cho phép tiếp tục nhập cảnh vào Việt Nam. Người lao động nước ngoài bị trục xuất khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Biện pháp trục xuất người lao động nước ngoài khi có hành vi vi phạm là hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho nước tiếp nhận lao động và có tính răn đe mạnh mẽ với người lao động nước ngoài trong việc thực hiện quy định về xin cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, hiện nay dù đã có nhiều hành vi vi phạm của người lao động nước ngoài tại Việt Nam những biện pháp trục xuất vẫn chưa có tiền lệ áp dụng trên thực tế.
Để lại một bình luận