Tiến sĩ quản trị kinh doanh Phan Lệ Hằng – Cố vấn marketing cho chương trình MBA giữa ĐH Tổng hợp Washington (Mỹ) với ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội đã chia sẻ những kinh nghiệm sau:
– Nộp hồ sơ và đơn xin việc: bước này phải thực hiện kỹ lưỡng vì nó sẽ đại diện bạn “đi” gặp nhà tuyển dụng. Phải nêu rõ những thông tin cần thiết về ngành học, chuyên môn, kinh nghiệm (nếu có) và tính cách của mình phù hợp như thế nào với yêu cầu của công việc…
Cách hành văn rõ ràng, súc tích và trang trọng. Tránh sao chép, nộp cùng một đơn xin việc cho nhiều công ty. Ngoài ra, bằng cấp phô-tô không được nhòe và nộp hình mới, đẹp…
– Phỏng vấn trực tiếp (face to face): Cần chuẩn bị thật kỹ trước khi đi về trang phục, giấy tờ (công trình nghiên cứu chẳng hạn)… Tốt hơn hết nên mang theo bộ hồ sơ, để khi cần, có thể nhìn lại và trả lời mạch lạc hơn.
Ở đây, sự trung thực của bạn có dịp bộc lộ và nó cực kỳ quan trọng. Những gì bạn biết thì nói biết; những gì không biết thì khéo léo thừa nhận mình không biết theo cách nói tích cực.
Cần giao tiếp hai chiều, khi cần thiết, phải biết đặt những câu hỏi ngược lại. Trong cuộc phỏng vấn, vấn đề lương bổng cũng phải được thẳng thắn nêu ra…
– Giới thiệu những “sếp” cũ: Những công ty nước ngoài thường yêu cầu giới thiệu 3 vị “sếp” cũ của mình. Những người này sẵn sàng trả lời những câu hỏi do nhà tuyển dụng đặt ra để kiểm ra tư cách của người lao động. Vì vậy, bạn cần giữ mối quan hệ thật tốt với những nơi làm việc trước đó. Nếu vừa ra trường, bạn có thể giới thiệu các giáo sư, giảng viên của mình.
– Viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian phỏng vấn mình: Đây là việc làm quan trọng nhưng rất nhiều người đã bỏ qua. Thông qua lá thư, bạn sẽ tạo ấn tượng tốt nơi nhà tuyển dụng. Và như thế, dù bạn không được nhận vào làm việc ở công ty lần này nhưng bạn cũng vẫn là người chiến thắng vì đã tạo nên một mối quan hệ tốt cho tương lai!
Theo Thanh Niên
Để lại một bình luận