Biến quán cà phê thành công sở là một thói quen của các bạn trẻ “freelance” – Ảnh: D.Đ.Minh |
Khoảng 2 năm trở lại đây, “freelance” được nhắc đến nhiều ở Việt Nam như một xu hướng làm việc mới của các bạn trẻ. “Freelance”, có thể hiểu nôm na là làm tự do, đã xuất hiện ở các nước từ lâu. Các bạn trẻ Việt Nam thì đang ở trong giai đoạn làm quen với cách làm việc mới này. Vì sao họ nói-không-với-ổn-định?
Phan Ý Ly là một điển hình của người làm tự do. Năm nay 26 tuổi, Ly khá nổi tiếng và được biết đến với công việc tư vấn, đạo diễn sân khấu và chủ nhiệm các dự án nghệ thuật vì cộng đồng. Theo Ly, một người làm tự do có thể lựa chọn người làm việc (hay khách hàng) mà mình thích, tự chọn nội dung công việc và quyết định mức lương mà mình cảm thấy xứng đáng được hưởng. Và cũng không có gì khó hiểu khi những người làm tự do hiện nay tập trung ở các ngành nghề mang tính sáng tạo như thiết kế và lập trình. Phan Ý Ly cho biết thêm những người làm nghề tự do còn tập trung nhiều ở giới nghiên cứu phát triển xã hội.
Tuy nhiên, nếu nói những người làm tự do thích bay nhảy và muốn chủ động trong công việc không thì chưa đủ. Trường hợp của Nguyễn Vũ Thảo lại khác. Chị là một kiến trúc sư 27 tuổi và đã có thâm niên làm cố định trong 5 năm cho 3 công ty tên tuổi. Tuy nhiên, cách đây một tháng, Thảo bỏ công ty đi làm tự do. Lý do mà Thảo đưa ra là chị muốn tách hẳn ra khỏi con đường độc đạo mà mình đang đi để tìm tòi những thứ mới lạ hơn và để trau dồi kiến thức. Cũng cùng ý định như Thảo, Nguyễn Phạm Cát Uy, một họa sĩ thiết kế đồ họa, có thêm một mục đích khi làm tự do là để thể hiện mình. Địa điểm làm việc của Uy cũng khá linh động, có thể là tại nhà, quán cà phê hay bất cứ nơi đâu mà anh cảm thấy thích hợp và tạo ra tâm lý thoải mái để làm việc, nhất là khi anh lại là một họa sĩ thiết kế.
Ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam dấn thân vào con đường làm tự do hơn. Sự bùng nổ về hình thức làm việc mới này có lý do của nó. Vì đa số những người làm tự do thường hoạt động trong các lĩnh vực cần có sự sáng tạo nên nếu làm việc cho một công ty, khả năng sáng tạo của họ có thể không được khai thác hết. Mặt khác, các công ty cũng thích thuê những người làm tự do hơn bởi như vậy thì sẽ rất tiện và linh động trong quản lý và chi phí. Để thuê một người có chuyên môn cần thiết cho một dự án của công ty, nếu thuê họ làm cố định thì sẽ tốn kém vì có những lúc công ty không cần dùng đến những người này mặc dù có thể họ rất giỏi. Tuy nhiên, nếu chỉ thuê một người làm tự do để phục vụ cho dự án trong một thời hạn nhất định thì sẽ giảm được nhiều chi phí trong quản lý và tiền lương.
Muốn “freelance”, phải có những gì?
Để có thể trở thành một người làm tự do thành công, theo Ly, không cần phải đa năng, đa tài mà chỉ cần thật sự giỏi và hiểu sâu về chuyên môn mà mình đang làm. Tiếp nữa là tạo dấu ấn riêng về bản thân để gây chú ý từ khách hàng (là các cơ quan, công ty hay cá nhân) hay nói cách khác là khả năng tự đề cao hay tự marketing bản thân cần được coi trọng. Còn đối với Uy, ngoài việc hiểu rõ tường tận về công việc mà mình đang làm, kỹ năng làm việc theo nhóm cũng là một yếu tố quan trọng.
Đôi khi một công ty lớn thuê một lúc nhiều người làm tự do để phục vụ cho dự án lớn của họ. Bạn sẽ phải làm việc với rất nhiều người làm tự do khác giống mình và phải tìm cách hòa hợp để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc. Thêm vào đó, theo Thảo, kỹ năng thỏa thuận và đàm phán với khách hàng cũng không thể không nhắc tới.
Vấn đề ở đây là bạn đang làm tự do và phải đi tìm nguồn việc cho mình chứ không như ở công ty, nơi bạn được giao việc để làm. Bởi vậy, kỹ năng thỏa thuận và thuyết phục khách hàng cũng đóng vai trò quyết định trong thu nhập của một người làm tự do.
Tuy nhiên, không phải cứ thích hay nghĩ mình có khả năng là có thể dấn thân vào nghiệp làm tự do. Như Ly hay Thảo, trước khi “xả thân mình” làm tự do, họ cũng đã phải miệt mài làm việc ở các công sở trong thời gian dài. Đây không phải là một bước đi vô ích vì nó có thể coi như thời gian đào tạo bạn trước khi bạn có thể một mình chèo chống. Theo Ly, thời gian đi làm ở công sở giúp bạn có kinh nghiệm làm việc, hiểu thêm về ngành nghề mà mình sẽ làm và tạo các mối quan hệ cho công việc về sau. Bạn cũng sẽ biết được xu hướng của thị trường, biết thị trường đang cần gì và thiếu gì. Khi đó bạn dễ dàng xâm nhập vào thị trường hơn.
Để kết thúc bài viết này, xin dẫn lời của Thảo nhắn đến những bạn trẻ sắp bước vào nghiệp “freelance”, đó là chọn mặt gửi vàng. Đây là cái hay của làm tự do. Khách hàng có thể chọn bạn nhưng bạn cũng có thể chọn khách hàng mà mình muốn làm chung. Nếu không nắm rõ về khách hàng mà bạn đang chuẩn bị làm việc mà vẫn đương đầu, bạn có thể sẽ không bao giờ thành công trong công việc sau những đêm dài thức trắng bên máy tính.
Làm việc kiểu freelance, lợi hay hại?
Nếu quyết định chuyển sang công việc tự do, bạn hãy cân nhắc các lợi ích và hạn chế của loại hình làm việc này.
Các ưu điểm của freelance:
– Tháo bỏ những ràng buộc khắt khe của cuộc sống công sở. Bạn sẽ không phải bó cứng trong bộ đồng phục suốt 8 tiếng đồng hồ hay phải quét thẻ chấm công, lo ngại bị phạt vì đi làm trễ hay ngồi trong bốn bức tường lạnh ngắt của văn phòng…
– Bạn sẽ được làm sếp của chính mình, có thể tự do phát huy sức sáng tạo và điều chỉnh các ý tưởng. Lương bổng là vấn đề bạn có thể thoải mái thương lượng với từng đối tác.
– Có thể thay đổi phong cách, phương pháp làm việc và thậm chí là loại hình, đề tài dự án, tính chất công việc… Sau khi đã “chán” làm dạng công việc này, bạn có thể tìm cho mình kiểu khách hàng mới với công việc thú vị hơn.
– Nếu bạn có một nhóm bạn cùng làm việc kiểu freelance, việc trao đổi công việc, ý tưởng cũng như hỗ trợ nhau sẽ đạt đến mức tối đa, mọi người đều phát huy hết khả năng, tinh thần trách nhiệm và không có thái độ “cha chung không ai khóc”. Vì kết quả công việc chính là “nồi cơm” của mỗi người.
– Mở mang các mối quan hệ, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm chinh chiến độc lập và sự tự giác.
Và những điều “không đẹp như mơ”
– Bạn có thể được tự do về giờ giấc làm việc, nhưng thời hạn hoàn tất một dự án, công trình vẫn là điều phải tuân thủ hàng đầu. Bạn vẫn phải căng thẳng chạy đua với thời gian nếu không muốn mất uy tín và khách hàng.
– Khi làm việc ổn định ở một công ty, thương hiệu của công ty chính là thương hiệu của bạn. Làm việc freelance, bạn sẽ phải tiếp thị thương hiệu của bản thân. Nếu bạn chưa được nhiều người biết đến hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm, khả năng không tìm được khách hàng sẽ rất cao.
– Bạn sẽ không được hưởng những phúc lợi, chính sách ưu đãi của các công ty, các khoản tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, trợ cấp sinh sản và xa hơn nữa là lương hưu. Lương bổng không ổn định cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
– Làm sếp của bản thân cũng có nghĩa là bạn phải quyết đoán, tự giác và nghiêm khắc với chính mình. Khi còn là nhân viên trong một công ty, sai lầm của bạn có thể được cấp trên phát hiện ra trước khi thành sản phẩm giao cho khách hàng, làm freelance, bạn phải trở thành “tỉnh táo viên” của chính mình. Nếu phạm sai lầm, bạn có thể lâm vào tình trạng “ế ẩm” trong một thời gian dài.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại Đọc Ngẫm :
- Xin việc làm TPHCM
- Việc làm tại Đà Lạt
- Tìm việc làm tại Đà Lạt
Để lại một bình luận