6 yếu tố bù đắp sự thiếu hụt kinh nghiệm trong CV

6 yếu tố bù đắp sự thiếu hụt kinh nghiệm trong CV
0 Shares

Sở hữu một công việc ngay khi vừa hoàn thành chương trình Đại học/Cao đẳng quả là viễn cảnh tươi đẹp với các bạn trẻ. Tuy nhiên không ít sinh viên mới tốt nghiệp chia sẻ rằng họ phải đối mặt với câu hỏi hóc búa: “Tôi cần có kinh nghiệm để tìm được việc làm, nhưng tôi lại cần có công việc thì mới tích luỹ được kinh nghiệm”.

Rất may mắn là nhà tuyển dụng đo lường giá trị và năng lực ứng viên không chỉ qua các công việc từng đảm nhiệm. Bí quyết viết CV xin việc khi bạn thiếu hụt kinh nghiệm làm việc thực tế là hãy thể hiện một cách sáng tạo các kỹ năng mềm và kỹ năng tương đồng nhằm chứng minh bạn chính là người công ty nên chọn.

Nếu vẫn đang tự hỏi làm thế nào cho tốt thì hãy cùng tham khảo thông tin bên dưới đây cùng Đọc Ngẫm.vn nhé!

Sở hữu một công việc ngay khi vừa hoàn thành chương trình Đại học/Cao đẳng là viễn cảnh tươi đẹp với các bạn trẻ

1. Xác định phẩm chất cá nhân ấn tượng nhất
Mục tiêu cơ bản nhất khi viết CV là tạo ra cơ hội tự giới thiệu bản thân. Vì thế điều đầu tiên cần làm là xác định rõ bạn đang “bán” cái gì. Hãy viết ra danh sách tất cả những điều bạn có thể làm tốt, cho dù đó có phải là kinh nghiệm hay kỹ năng chuyên môn hay không. Sau đó khớp các khả năng này tương ứng với một (hoặc vài) kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn.

Một vài ví dụ nhé! Bạn có phải là cầu thủ bóng đá xuất sắc không? Điều này cho thấy tính cách năng nổ và khả năng làm việc nhóm. Bạn sở hữu một trang blog cá nhân được nhiều người theo dõi? Đây là minh chứng bạn có khả năng sáng tạo, diễn đạt và giao tiếp tốt thông qua việc viết lách.

2. Mở đầu bằng một câu/đoạn tóm tắt ấn tượng
Đây là điều mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào 
cũng sẽ đọc trước tiên, làm đúng cách là quan trọng nhất! Bí quyết hàng đầu là phải trình bày thật ngắn gọn và đơn giản, khoảng 150 từ là hợp lý.

Bắt đầu với thông tin về trình độ học vấn và những kỹ năng mạnh nhất. Bạn sẽ có không gian để trình bày rõ hơn trong các phần sau, nên ở đây chỉ cần làm rõ chuyên môn theo học và thành tích tốt nghiệp nếu bạn cảm thấy nó đáp ứng tốt vai trò mà nhà tuyển dụng tìm kiếm đồng thời giúp tạo thêm ấn tượng đẹp cho CV của mình.

Xem thêm  Tìm việc: Định hướng chưa rõ ràng

Hãy hiểu rõ những kỳ vọng của mình. Nếu chỉ muốn dự tuyển đúng một chuyên môn nhất định, bạn có thể nêu cụ thể như “Tôi đang tìm một công việc PR”. Nhưng nếu muốn mở ra cho bản thân nhiều lựa chọn thì có thể nói chung chung “Tôi tìm kiếm một vị trí sẽ mang lại nhiều thử thách và vận dụng tốt khả năng…”

Trình bày thật ngắn gọn và đơn giản

3. Trình bày về kỹ năng thay vì vai trò
Hầu hết CV sẽ bắt đầu bằng cách liệt kê lại những công ty gần đây nhất ứng viên đã làm, nhưng nếu bạn chưa từng đi làm hoặc chỉ làm tại một công ty với ngành nghề không liên quan thì tốt nhất bạn nên viết về những kỹ năng mình giỏi nhất. Nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy hứng thú hơn khi xem điều này trong CV thay vì hàng loạt các câu mô tả các công việc phụ trách đơn điệu.

Đây là lúc để danh sách kỹ năng và ví dụ cụ thể phát huy tác dụng. Nhanh chóng tham khảo và kết hợp các trải nghiệm khác nhau lại để cùng mô tả hiệu quả cho kỹ năng cụ thể. Với các bằng chứng cụ thể để xác thực lại, cách trình này của bạn sẽ khiến CV gây ấn tượng mạnh mẽ!

4. Xem những hoạt động ngoại khoá như là công việc
Chỉ vì chưa bao giờ được nhận lương không có nghĩa là bạn chẳng sở hữu chút kinh nghiệm làm việc nào sau rất nhiều hoạt động khác nhau. Hãy kể ra những chương trình tình nguyện, hoạt động ngoại khoá từng tham gia như cơ hội tích luỹ kiến thức và rèn luyện kỹ năng, nhớ làm rõ khoảng thời gian, vai trò, kỹ năng và trách nhiệm chính.

Nếu có đi làm thêm khi còn đi học sẽ là một thông tin bạn nên đề cập. Nhấn mạnh rằng mình từng là cộng tác viên viết bài cho tạp chí sinh viên sẽ là điểm cộng nếu bạn muốn ứng tuyển vào vị trí biên tập hay PR. Tương tự như thế đừng xem thường khoảng thời gian thực tập tốt nghiệp. Linh động và hợp lý trong cách trình bày sẽ giúp bạn thành công.

Xem thêm  Giải tỏa tâm lý 12 giờ trong ngày

Xem những hoạt động ngoại khoá như là công việc

5. Làm rõ về bằng cấp
Để CV quá đơn điệu vì thiếu kinh nghiệm là rất sai lầm. Thay vào đó hãy làm đẹp các bằng cấp nhưng một cách tuyệt vời để chứng minh năng lực. Nếu từng viết luận án bạn có thể nói về khả năng tìm kiếm, tổng hợp và xử lý thông tin. Bạn thường xuyên thuyết trình, hãy nhấn mạnh kỹ năng trình bày vấn đề và thuyết phục. Cũng có thể nhắc đến những khả năng làm việc độc lập trong các dự án hoặc lên kế hoạch, tổ chức và phối hợp đồng đội trong các sự kiện.

Thêm vào đó, đừng bỏ quên các bằng cấp phụ khác đã được chứng thực mà bạn đang sở hữu. Bạn có bằng lái xe hơi, có chứng nhận tham gia khoá đào tạo về digital, lập trình, thiết kế hay tuyển dụng nhân sự… Cứ mạnh dạn nêu ra nếu nó có liên quan ngay cả khi bạn không làm quá giỏi, miễn đừng nói dối khi khả năng đó bạn thực sự chẳng biết.

6. Thêm một chút cá tính
Bạn có mối quan tâm nào đặc biệt thú vị không? Từng đạt một giải thưởng, đã tham gia một cuộc đua marathon lớn, là một tay lặn biển, nhảy dù hay leo núi chính hiệu… Hãy viết vào CV!

Nhà tuyển dụng đã nhận được rất nhiều hồ sơ dự tuyển với phong cách giống nhau, một người khác biệt với đám đông sẽ gây sự tò mò và được nhớ nhiều hơn. Nếu không có khả năng nào gặt hái thành tích xuất sắc thì đừng cố làm quá lên. Cứ đơn giản liệt kê vài sở thích vào mục thông tin thêm vì mục đích gợi nhắc thêm về tính cách cá nhân.

Phần lịch sử làm việc tồn tại trong CV là bởi nó có nhiệm vụ nói cho nhà tuyển dụng biết bạn từng làm gì, có thể làm gì và sở hữu tiềm năng thế nào cho công việc tương lai. Vậy nên đừng quá lo lắng hay sợ hãi khi bạn chưa từng làm tại công ty nào! Nếu không thể trình bày theo cách những người khác thường làm thì bạn hãy kể bằng một cách khác, miễn sao nó hợp lý và thuyết phục.

Nguồn hình: Freepik

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *