Nhiều chị em tự ti cho rằng kỹ năng làm việc của phụ nữ không thể sánh với nam giới. Do đó, họ không đủ tự tin để khẳng định giá trị bản thân. Chính những sai lầm này là “bước cản lớn” trên con đường sự nghiệp của phụ nữ. Dưới đây là những sai lầm căn bản cần phải mà các chị em cần khắc phục.
1.Không tự tin vào năng lực của bản thân
Phụ nữ nói chung thường khiêm tốn và yêu cầu ở bản thân mình quá cao. Do đó, ngay cả những phụ nữ rất ưu tú trong công việc cũng thường có thói quen đánh giá thấp bản thân. Ví dụ, một chị tạp vụ chuyên quét dọn văn phòng cho một công ty lớn đã làm việc rất chăm chỉ và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giám đốc, nhưng khi được hỏi chị có phải là nhân viên gương mẫu không thì chị phản đối ngay: “Tôi không phải là nhân viên mà chỉ là người quét dọn thôi”. Đây là một trong rất nhiều ví dụ điển hình về tính quá khiêm tốn đến tự ti ở nhân viên nữ.
Ngày nay, nữ giới rất nhanh nhạy và thông minh khi nắm bắt các công nghệ mới, tri thức mới. Nhưng ũng nhiều nguời luôn tỏ ra khiêm tốn đến mức tự ti với kiến thức và năng lực của mình. Đương nhiên, biết khiêm tốn và học hỏi là những đức tính đáng hoan nghênh, nhưng nếu cái gì quá mức đều có tác dụng ngược lại. Hãy biết nói: “Tôi sẽ làm được hay tôi đủ khả năng làm được” khi bạn được giao một công việc nào đó phù hợp với khả năng của mình thay cho câu: “Tôi e rằng…, Tôi chỉ là…”.
2.Không biết tự nói về kinh nghiệm và kỹ năng làm việc của mình
“Tôi đã xem qua sơ yếu lý lịch của một số ứng viên nữ mà không hề thấy ghi kinh nghiệm làm việc, mặc dù tôi biết vài người trong số đó đã trải qua khá nhiều công việc trước đó. Trong khi đó, trong hồ sơ của ứng viên nam, họ biết ghi đầy đủ kinh nghiệm làm việc, dù thời gian làm việc trước đấy rất ngắn” – giám đốc nhân sự của một công ty lớn cho biết. Ông nói thêm: “Nhà tuyển dụng thường nhìn vào kinh nghiệm của ứng viên để sắp xếp công việc phù hợp. Hơn nữa, việc nêu kinh nghiệm trong hồ sơ sẽ làm cho bộ hồ sơ “phong phú” thêm, tăng khả năng lọt vào vòng trong. Nếu các ứng viên nữ quá khiêm tốn hoặc không đủ tự tin để nói về những kinh nghiệm làm việc của mình thì chính họ là người trực tiếp tạo ra thiệt thòi cho mình”.
3.Không đề cập đến lương, lợi ích và các ưu đãi khác
Có một thực tế phổ biến hiện nay là khi các ứng viên nữ xin việc, rất ít người trực tiếp đàm phán với nhà tuyển dụng về vấn đề lương, lợi ích hay các ưu đãi khác. Cũng có nhiều ứng viên nữ có trình độ cao khi không nhận được sự đồng ý của nhà tuyển dụng về tiền lương thì ngay lập tức từ chối công việc mà không ngồi lại để bàn bạc thêm. Nếu như bạn không nhận được mức lương như mong muốn thì nên đề xuất các loại ưu đãi khác như: tăng thêm thời gian nghỉ phép, có phí đi lại hay được công ty đào tạo thêm… Nên nhớ, nếu có được công việc mình yêu thích thì đừng nên từ bỏ nó dễ dàng vì một nguyên nhân nào đó liên quan đến lương bổng hay ưu đãi. Hãy biết đàm phán và đòi quyền lợi cho mình.
4.Không hiểu vì sao mình không được tuyển dụng
Sau những lần được phỏng vấn, bạn đều không liên lạc gì với công ty cho đến ngày nhận được thông tin mình đã trượt. Không hiểu vì sao lại như vậy? Trong trường hợp đó, bạn cũng không muốn tìm hiểu nguyên nhân vì cho rằng: thật sự không cần thiết vì đã trượt rồi… Điều đó là hoàn toàn sai lầm. Biết được khuyết điểm của mình là một biện pháp tốt để rút kinh nghiệm khi tìm một công việc khác. Do vậy, khi tham gia bất kỳ cuộc phỏng vấn nào bạn cũng nên liên lạc với người phỏng vấn để hỏi kết quả, nếu bạn không phải là người được chọn thì cũng nên hỏi nguyên nhân thất bại. Từ những thất bại đó, chắc chắn bạn sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng cũng như kinh nghiệm cho mình trong các cuộc phỏng vấn lần sau.
5.Lặp lại sai lầm đã mắc phải
Sau khi tham gia phỏng vấn có bao giờ bạn thừa nhận: Sai lầm trong cuộc phỏng vấn trước đã bị lặp lại trong cuộc phỏng vấn này?
Sau khi tham gia phỏng vấn, bạn phân tích tình hình của buổi phỏng vấn và dự đoán kết quả. Và lần nào bạn cũng lấy làm tiếc về những câu trả lời của mình rồi giá như thế này, giá như thế kia… Rồi bạn lo lắng không biết mình có trả lời đúng không, sai thì sẽ ra sao?… Điều này chứng tỏ bạn đã không rút ra được bất cứ kinh nghiệm nào sau những lần phỏng vấn, và lần sau bạn sẽ mắc phải đúng những sai lầm cũ. Nên đúc rút kinh nghiệm và kỹ năng tham gia phỏng vấn, nhưng phải biết chuyển những kinh nghiệm quý báu đó thành kết quả.
Để lại một bình luận