5 công việc phổ biến dành cho người thích nói

5 công việc phổ biến dành cho người thích nói
0 Shares

Khi lựa chọn công việc, bạn không nên bỏ qua tính cách cá nhân bởi đó là điều quan trọng dẫn bạn đến một nghề nghiệp thích hợp và thành công lâu dài, không chỉ vì lý do tài chính mà còn vì chất lượng cuộc sống.

Căn cứ vào nội dung mô tả đặc điểm ứng viên của nhiều mẩu đăng tuyển dụng, Đọc Ngẫm.vn chia sẻ với bạn một số công việc lý tưởng cho người hay nói và thích nói. Tất nhiên những công việc này sẽ đòi hỏi trình độ và kỹ năng liên quan chứ không chỉ là trò chuyện đơn thuần, nhưng xuất phát điểm, bạn phải là một người thích nói chuyện. Những công việc dành cho người thích nói điển hình như nhân viên sales, phóng viên, giáo viên,…

1. CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG

Là bộ phận quan trọng trong mọi lĩnh vực kinh doanh, nhân viên chăm sóc khách hàng hoặc đại diện dịch vụ khách hàng (Customer Service Representative) sẽ liên tục tiếp nhận các câu hỏi và giải quyết những mối quan tâm cho khách hàng thông qua điện thoại, email, tin nhắn, ứng dụng chat hoặc gặp mặt trực tiếp.

Chịu trách nhiệm kết nối, tư vấn và hỗ trợ cho khách hàng về mọi sản phẩm và dịch vụ, bạn cần có khả năng nắm bắt các thông tin cần thiết, nắm vững trong đầu các câu trả lời phù hợp. Đồng thời, để đạt kết quả làm việc tốt nhất, bạn còn phải sở hữu kỹ năng giao tiếp linh hoạt, giải thích thông tin (cả nói và viết) rõ ràng, hướng dẫn chính xác cùng tính kiên nhẫn, tận tâm phục vụ.

Năng khiếu “nói nhiều” của bạn nếu đi cùng với thiên hướng thích hỗ trợ người khác thì các vị trí thuộc nhóm chăm sóc & hỗ trợ khách hàng thực sự dành cho bạn.

Thu nhập bình quân: 7.000.000 VND/tháng*

2. TỔ CHỨC SỰ KIỆN

Có khá nhiều con đường để chọn khi một người thích giao tiếp muốn phát triển sự nghiệp trong vai trò lập kế hoạch (Planner), điều phối viên (Coordinator) hoặc nhân viên (Executive/ Specialist/ Assistant) tổ chức sự kiện chuyên nghiệp.

– Thứ nhất, bạn có thể trở thành người lập kế hoạch và tổ chức các sự kiện mang ý nghĩa trọng đại như: đám cưới, đính hôn, sinh nhật, mừng thọ… cho khách hàng. Công việc này phù hợp với người giàu ý tưởng, thích giao tiếp và giỏi tư vấn. Dù bạn phát huy tài năng tổ chức sự kiện dưới tư cách nhân viên của công ty, trung tâm hội nghị, nhà hàng tiệc cưới hay cá nhân độc lập thì mỗi ngày của bạn đều cũng sẽ sôi động và thú vị.

– Trở thành chuyên viên tổ chức sự kiện tại các công ty là con đường thứ hai. Với hướng đi này, bạn có thể xin vào các công ty truyền thông – quảng cáo (Agency) để học hỏi nhiều điều mới mẻ, liên tục thử sức bản thân và tăng cường trải nghiệm qua vô vàn dự án hoàn toàn khác nhau; hoặc nếu thích sự bền vững và học hỏi chuyên sâu, hãy ứng tuyển vào làm việc tại phòng Marketing của một doanh nghiệp rồi gắn bó và tập trung đóng góp cho sự thành công lâu dài cùng họ.

Xem thêm  Trực giác khiến bạn lo ngại khi nhận việc mới?

Nghề tổ chức sự kiện đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều cuộc trò chuyện. Đầu tiên, bạn gặp gỡ khách hàng, gợi mở khai thác nhu cầu, tư vấn các ý tưởng, thuyết phục lựa chọn phương án, khuyến khích sử dụng dịch vụ. Sau đó là quãng thời gian bận rộn để bạn bắt đầu liên hệ nhà cung cấp, điều phối đơn vị thi công, rồi lại tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các bên nhằm đảm bảo mọi thứ diễn ra theo kế hoạch. Đã chọn nghề này, bạn nên biết rằng “có lúc tôi không muốn nói cũng không được”. Sau tất cả những bận rộn và vất vả, nghề tổ chức sự kiện khiến cuộc sống của những ai theo đuổi nó đa dạng màu sắc và cảm xúc hơn nhiều.

Thu nhập bình quân: 8.700.000 VND/tháng*

3. QUAN HỆ CÔNG CHÚNG

Chuyên viên truyền thông (Communication) hoặc quan hệ công chúng (Public Relationship – PR) là một nghề triển vọng được nhiều bạn trẻ năng động ưa thích. Để làm được nghề này yêu cầu đầu tiên và quyết định nhất là giao tiếp tốt, cả nói lẫn viết.

Công việc thường thấy của chuyên viên quan hệ công chúng là giới thiệu, quảng bá thông tin về sản phẩm, dịch vụ hoặc những thành tựu mà công ty đã đạt được. Bạn sẽ thường xuyên tham dự các hội nghị, networking; tổ chức họp báo, sự kiện; hoặc liên hệ với các nhà tài trợ, nàh đầu tư, cơ quan truyền thông báo chí. Vì vậy, bạn cần có khả năng xây dựng và phát triển mối quan hệ, kỹ năng phát biểu, thuyết trình trước đám đông một cách tự tin và lưu loát, đồng thời phải sở hữu đầu óc linh hoạt và tư duy nhạy bén để xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra khi đang nói nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp tốt nhất.

Thu nhập bình quân: 11.400.000 VND/tháng*

4. HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH

Hướng dẫn viên du lịch chẳng những là công việc lý tưởng cho người hay nói mà còn cực kỳ phù hợp với tín đồ thích “xê dịch” hoặc ưa khám phá điều mới mẻ. Ưu điểm của công việc là dù làm nhân viên chính thức cho công ty lữ hành, tổ chức du lịch, điểm tham quan, hay là hướng dẫn viên cộng tác thì bạn vẫn luôn sở hữu một mức độ tự do đáng kể về không gian và thời gian.

Chắc chắn bạn sẽ được nói, thực ra là nói rất nhiều mỗi khi bước vào công việc. Bạn phải tiếp xúc, giao lưu và kết bạn với nhiều người khác nhau mỗi ngày. Nhịp làm việc này giúp bạn mở mang kiến thức xã hội, tăng cường trải nghiệm về các mối quan hệ và làm giàu đời sống tinh thần.

Xem thêm  Làm hết sức, chơi hết mình!

Như mọi nghề khác, bạn cần sở hữu những tố chất nhất định để trở thành hướng dẫn viên, quan trọng nhất trong đó là khả năng giao tiếp và truyền đạt thông tin. Có câu đùa vui rằng: “Nghề hướng dẫn không quá khó như ta tưởng tượng, chẳng đòi hỏi gì cả, chỉ cần bạn biết nói.” Điều này thực ra không sai nhưng cần được bổ sung, hướng dẫn viên phải nói bằng kiến thức, duyên trò chuyện thu hút và cái tâm của người muốn chia sẻ, chăm sóc du khách.   

Thu nhập bình quân: 9.400.000 VND/tháng*

5. TƯ VẤN BÁN HÀNG

“Xin chào, tôi có thể giúp gì cho chị?” là cách rất tốt để bắt đầu một cuộc trò chuyện điển hình của nhân viên tư vấn với khách hàng. Trao đổi thông tin là hoạt động cốt lõi xuyên suốt của việc bán hàng, vì thế nghề tư vấn bán hàng sẽ vô cùng phù hợp với những ai thích nói chuyện.

Bạn sẽ gặp gỡ rất nhiều người và khiến họ ra quyết định mua sản phẩm/dịch vụ của mình. Những kỹ năng cần có của nghề này cũng tương tự như nhân viên chăm sóc khách hàng, tuy nhiên, điều khác biệt là bạn cần kết thúc thắng lợi bằng quyết định mua hàng của người mình tư vấn. Bạn sẽ có cơ hội nói thoả thích, nhằm giới thiệu công dụng, chỉ ra lợi ích và hướng dẫn cách sử dụng cho khách hàng. Tư vấn bán hàng không đòi hỏi chuyên môn quá cao nên chỉ nhận lại mức lương tương đối, đổi lại bạn sẽ dễ dàng tìm được việc đồng thời lựa chọn lĩnh vực là không giới hạn.

Thu nhập bình quân: 8.000.000 VND/tháng*

Như câu nói của Brian Tracy: “Hãy chọn làm những việc bạn thực sự yêu thích, bạn sẽ cảm thấy mình không phải làm việc một ngày nào trong suốt cuộc đời”. Hiểu rõ về tính cách cá nhân có thể giúp bạn chọn được lĩnh vực nghề nghiệp đúng đắn và quản lý tốt hơn những thách thức trong công việc.

Bạn còn biết nghề nghiệp nào lý tưởng dành cho người thích nói nữa không, chia sẻ cùng Đọc Ngẫm.vn nhé!

Ngoài những công việc trên, bạn có thể truy cập website Đọc Ngẫm để xem thêm nhiều vị trí việc làm hấp dẫn. Bạn có thể tham khảo mức lương từng công việc tại VietnamSalary.vn nhé. 

* Theo khảo sát tại VietnamSalary.vn dành cho cấp bậc nhân viên

(Nguồn ảnh: VietnamSalary)

Top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất:

Tìm việc làm | Việc Làm, Tuyển Dụng tại Cần Thơ | Việc Làm, Tuyển Dụng tại Hồ Chí Minh | Việc Làm, Tuyển Dụng tại Hà Nội | Thực tập sinh ngân hàng | Thông dịch viên tiếng Anh | Kỹ sư điện tử | Việc làm ngành dược

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *