Đam mê công việc là điều thực sự cần thiết để bạn có thể sống sót qua được quãng thời gian “8 giờ – 5 ngày” nơi công sở. Tuy nhiên, vào cuối tháng, công việc đó phải mang lại mức thu nhập đủ để bạn có cuộc sống tươm tất. Nếu không được trả lương “ổn” để có thể đảm bảo cuộc sống như mình mong đợi, đây thường là lúc bạn suy nghĩ đến việc đàm phán lại mức lương hoặc tìm công việc mới.
Tất nhiên, việc gặp sếp để yêu cầu tăng lương hay cố gắng thương lượng mức lương cao hơn với nhà tuyển dụng mới có thể khiến nhiều người chùn bước bởi tâm lý e ngại. Tuy nhiên, giống như các mẹo để cải thiện khả năng đàm phán trong kinh doanh, khi thương lượng lương bổng cũng có những kỹ thuật có thể giúp bạn dễ đạt được thành công hơn.
Dưới đây là 5 “chiêu thức” mà những người khôn ngoan thường sử dụng, bạn có thể tham khảo ngay với Đọc Ngẫm.vn để có phương án bắt đầu riêng cho mình nhé!
1. BẮT ĐẦU BẰNG PHẠM VI CÔNG VIỆC BẠN SẼ LÀM
Theo tác giả Mark Raffan khi viết quyển sách “Negotiations Ninja”: “Tôi thường khuyên rằng nên thương lượng phạm vi công việc (chẳng hạn như mô tả công việc, yêu cầu đi lại, mức độ tiếp xúc với lãnh đạo, cơ hội thăng tiến, yêu cầu dẫn dắt đội nhóm, tính tự chủ, trách nhiệm …) trước khi đề cập đến lương”.
Lý do Raffan khuyên điều này là bởi vì mặc dù đã có bản mô tả công việc nhưng những kỳ vọng cho công việc đôi khi không hoàn toàn giống với các mô tả. “Bằng cách xác định kỳ vọng của nhà tuyển dụng dành cho công việc, bạn sẽ loại bỏ bớt cho mình những vấn đề rắc rối trong tương lai. Nó cũng mang đến cho bạn cơ hội đàm phán thêm một số lợi ích vô hình.”
Một công việc dù được trả lương rất cao nhưng sẽ không duy trì được lâu dài nếu công ty và bạn không thống nhất với nhau. Đàm phán có tính đến cả phạm vi công việc phụ trách sẽ giúp cho cả đôi bên có cùng chung cái nhìn về yêu cầu, mong đợi và thước đo. Từ đó, cả công ty và nhân viên sẽ thiết lập được “giai điệu” phù hợp để giải quyết rốt ráo những cuộc đàm phán lương còn dang dở.
2. YÊU CẦU NHIỀU HƠN
Một sai lầm phổ biến trong đàm phán tăng lương chính là chủ động nói rõ rằng bạn nghĩ mình xứng đáng với mức lương bao nhiêu. Trong khi điều này nghe có vẻ phản trực giác, cách tốt nhất để đạt được mức tăng lương có ý nghĩa chính là yêu cầu một con số cao hơn mức bạn nghĩ tương xứng với mình.
Một nghiên cứu của Đại học bang Ohio và Vanderbilt đã xác nhận rằng quy trình “thả neo” này hiệu quả nhất khi bạn đưa ra đề nghị lương đầu tiên, thay vì để nhân sự công ty hoăc sếp đề nghị trước. Mức lương cao hơn yêu cầu của bạn sẽ xác lập vị thế của bạn trong cuộc đàm phán và trở thành đường cơ sở để xác định mức tăng lương.
Mặc dù sau đó, nhân sự hoặc sếp có thể thương lượng lại mức tăng lương ít hơn, nhưng nhiều khả năng nó sẽ gần với những gì bạn xứng đáng hơn là khi bạn bắt đầu với một con số thấp hơn.
3. CÁ NHÂN HOÁ CUỘC TRÒ CHUYỆN
Khi tiến hành đàm phán lương, đừng để bản thân bị rơi vào “bẫy” phải giữ cho cuộc trò chuyện luôn “thuần tuý” mang tính chất công việc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhân viên bán hàng có xu hướng thành công hơn khi chia sẻ những câu chuyện của riêng họ. Thảo luận về sở thích hoặc những điều không liên quan trực tiếp đến công việc trước mắt có thể làm cho câu chuyện trở nên dễ hiểu và bản thân bạn giống một khách hàng tiềm năng hơn, từ đó làm tăng tỷ lệ đàm phán thành công.
4. ĐỪNG QUÊN NGÔN NGỮ CƠ THỂ
Sự tự tin của bạn trong quá trình đàm phán phụ thuộc vào nhiều thứ hơn là chỉ những điều bạn nói. Ngôn ngữ cơ thể cũng có thể nói lên rằng bạn đang cảm thấy tự tin hay lo lắng. Đối với nhiều người, khi làm việc, ngôn ngữ cơ thể sẽ cho thấy bạn có thực sự tin vào những điều mình đang nói hay không.
Những lời khuyên cơ bản nhất là hãy làm chủ sự giao tiếp qua ánh mắt, hãy tạo cho mình một tư thế ẩn chứa sức mạnh trước khi bước vào các cuộc trò chuyện thực sự, giữ đôi tay của bạn trên mặt bàn và đảm bảo rằng nó làm toát lên sự tự tin và đáng tin cậy trong bạn.
Theo một bài viết trên trang blog của trường luật Harvard, bắt chước (hoặc nhái theo) thực sự là một bí quyết điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể hiệu quả nhất: “Thay vì cảm thấy mình ngớ ngẩn hay xấu hổ vì đã bắt chước hành vi của người khác, bạn nên tự chúc mừng bản thân,” tác giả chỉ ra. “Bắt chước là dấu hiệu cho thấy cả hai đang xây dựng một mối quan hệ, cố gắng kết nối và tìm ra điểm chung, ngay cả khi bạn không biết nên bắt đầu từ đâu hoặc như thế nào. Bắt chước dường như còn có thể khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn với những người khác, và khuyến khích bản thân tin tưởng họ.
5. TẬN DỤNG SỨC MẠNH CỦA NHỮNG LỜI ĐỀ NGHỊ KHÁC
Không có công ty nào muốn bỏ lỡ mất những nhân tài hàng đầu. Trên thực tế, các nghiên cứu đã phát hiện rằng “chi phí trung bình cho việc thay thế nhân viên chiếm đến 20% tổng chi lương hàng năm của những người đó. Với nhiều nhà tuyển dụng, chấp nhận một mức tăng lương vẫn hiệu quả về mặt ngân sách hơn là tìm kiếm và thuê người mới.
Đôi khi, để giành được mức tăng lương mà bạn xứng đáng, bạn sẽ cần phải đặt vấn đề với công ty hiện tại của mình bằng một lời đề nghị sẵn có trong tay. Để giữ được bạn lại bên cạnh, nhà tuyển dụng cần phải nâng mức chi trả lên tương ứng mới có thể “đánh bật” các lời đề nghị “vo ve” quanh bạn.
Mặc dù chiến lược này có thể mang lại hiệu quả cao, cây bút của New York Times, Rob Walker vẫn khuyến cáo rằng, “Không có gì là sai khi đưa ra tối hậu thư, miễn là bạn sẵn sàng sống với hậu quả của nó. Nếu không như vậy thì thực sự bạn chỉ đang phát biểu vô tội vạ. Tốt nhất phải có sự tự tin trong tâm trí rằng: Tôi rất vui vẻ khi chấp nhận công việc mới bởi vì nó thực sự là một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, chứ không phải vì tôi ghét công việc hiện tại.”
Tóm lại, mục tiêu đàm phán để giành lấy mức lương cao hơn có thể khá khó khăn, ngay cả khi đã có chiến thuật đúng đắn, bởi không có gì đảm bảo trước thành công cho bạn. Tuy nhiên, bằng cách chủ động hơn trong việc tiếp cận, bạn sẽ có thể có được những kết quả khả quan hơn mong đợi.
Đọc Ngẫm.vn mong rằng 5 “chiêu” đàm phán lương này sẽ hiệu nghiệm và giúp bạn thành công!
Nguồn hình: Freepik
Để lại một bình luận