Thương lượng lương – vấn đề tế nhị luôn khiến cho nhiều người phải suy nghĩ và tìm kiếm các lời khuyên để có thể đàm phán thành công. Liệu có nên đề nghị lại mức lương nhận việc khi chưa hài lòng không? Trường hợp nào thì có thể nói “Tôi muốn một mức lương cao hơn”? Vô số người còn sợ rằng mình trông có vẻ không khôn khéo hoặc đánh mất hoàn toàn cơ hội vì đã bày tỏ ý muốn thương lượng lại lương với nhà tuyển dụng.
Hãy bình tĩnh, không phải lúc nào nhiệm vụ này cũng phức tạp như bạn nghĩ! Thương lượng lương là một nghệ thuật tâm lý và đàm phán, trong đó yếu tố thời điểm vô cùng quan trọng. Ghi nhớ ngay 4 trường hợp NÊN và 3 thời điểm KHÔNG NÊN, đồng thời đơn giản hoá nhiệm vụ thương lượng lương bằng vài mẹo nhỏ được Đọc Ngẫm.vn chia sẻ dưới đây nhé!
HÃY CÂN NHẮC THƯƠNG LƯỢNG KHI
1. Bạn đã nhận được đề nghị bằng email hoặc thư
Jenny Foss, chuyên gia tuyển dụng hơn 10 năm kinh nghiệm, chia sẻ rằng không ít người tìm việc đã có những bước đi sai lầm khi bắt đầu trở nên quá chủ động, vội vàng chọn cách “chơi rắn” trước khi chắc chắn rằng mình đã nắm trong tay một lời mời. Quy tắc cơ bản nhất khi thương lượng: Bạn có quyền lực và ưu thế hơn khi biết đối phương cần mình.
Vậy nếu đã giành được một đề nghị lương từ nhà tuyển dụng nhưng nó hoàn toàn không như bạn kỳ vọng, đây là thời điểm thích hợp để bạn đưa ra phản hồi và đàm phán thêm. Còn nếu vẫn đang đợi một lá thư chính thức, bạn nên chậm nhịp lại một chút.
2. Bạn nói được rành rọt những giá trị mang đến cho công ty
Điều cực kỳ quan trọng cần nhớ: Doanh nghiệp tiềm năng hoặc ông chủ tương lai của bạn sẽ không quan tâm đến các chi tiết như bạn phải trả tiền thuê nhà, thanh toán nợ vay mua xe hay đóng học phí hàng tháng cho con bao nhiêu. Họ muốn biết bạn sẽ bước vào công ty như thế nào và mang lại những kết quả gì.
Vì thế, nếu trước mắt là một đề nghị lương và bạn đã sẵn sàng bước vào thương lượng, phải chắc rằng bạn đã tập hợp đầy đủ lý lẽ trong tâm thế biết người biết ta và chuẩn bị phần trình bày ấn tượng nhất nhằm thuyết phục rằng mình xứng đáng nhận được một mức lương cao hơn. Những giá trị bạn sẽ mang đến cho tổ chức là gì, nó khiến quyết định tuyển dụng trở thành sự đầu tư ý nghĩa ra sao? Làm sáng tỏ từng luận điểm của mình!
3. Bạn biết mình sẽ sớm từ bỏ công việc nếu nhận mức lương thấp hơn mong đợi
Nếu nhìn vào con số nhà tuyển dụng đề nghị mà bạn thấy khó chịu, bất mãn hoặc bực bội thì hãy dành cho mình một khoảng dừng. Ngưng lại để hình dung cảm xúc của mình tại công ty sau 1 tháng, 6 tháng hoặc 3 năm sau như thế nào nếu bạn chấp nhận mức lương thực sự không ổn với mình. Để chắc chắn công ty mới của bạn đón được “tân binh” có đầy đủ nhiệt huyết với công việc, hài lòng về các cơ hội và mang tâm thế sẵn sàng gặt hái thành tựu thì hẳn bạn cần thương lượng thêm một chút. Chưa kể, bạn xứng đáng có được một công việc mà bản thân yêu thích và hài lòng với mức trả công.
4. Bạn định sẽ từ chối công việc trừ khi mức lương cao hơn
Không ít người từng quay lưng với vị trí ứng tuyển trong cảm giác tức giận sau khi nhận được mức lương đề nghị thấp hơn mong đợi, thay vì cân nhắc thấu đáo và cẩn thận hơn. Các chuyên gia nhân sự cho rằng phản ứng thế này hơi dại dột nếu bạn thực sự thích công ty và mong muốn được đảm nhiệm vai trò đó.
Thay vì nhanh chóng thốt ra câu chối từ cứng nhắc, trước tiên cần nghiêm túc cân nhắc một phương án tốt hơn: thương lượng lại lương. Kết quả xấu nhất thì cũng như bạn đã dự liệu ban đầu, ít ra bạn cũng đã cố gắng hết mình với công việc yêu thích.
3 TRƯỜNG HỢP CẦN SUY NGHĨ 2 LẦN TRƯỚC KHI THƯƠNG LƯỢNG
1. Bạn đã chấp nhận một mức lương thấp
Giả sử như bạn vì quá hào hứng với đề nghị mà đã thốt lên “Vâng, vâng, vâng”. Rồi sau đó khi về đến nhà, vợ bạn nói là cô ấy rất cần một chiếc xe mới, bạn nhớ ra rằng mình còn phải trả nợ vay ngân hàng, và rằng sắp tới có rất nhiều đám tiệc phải tham dự. Tình huống này có vẻ quen thuộc? Chẳng may là tất cả những thứ này đều cần dùng tiền.
Vậy có nên tranh thủ “vắt ép thêm vài đồng” nữa từ công ty tương lai? Không, hoàn toàn không nên. Bởi nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy khó chịu và tự hỏi rằng liệu bạn có phải là người có tính cách thất thường tự cho mình là ngôi sao. Cách tốt nhất luôn là gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng vì đã dành cho mình một đề nghị thiện chí, nhưng bạn cần dừng lại cân nhắc một chút. Hãy cho mình thời gian suy xét trước, thay vì “nhảy bổ” vào một quyết định khiến sau này hối hận.
2. Nhà tuyển dụng nói đây là mức đề nghị tốt nhất họ có thể
Khi một người quản lý thực sự muốn có bạn – đặc biệt khi họ biết rằng mức lương bạn yêu cầu nằm ở ngưỡng cao nhất mà ngân sách công ty dành cho vị trí cụ thể – nhiều khả năng họ sẽ đưa ra đề nghị hấp dẫn nhất. Thông thường, kèm theo lời mời, nhà tuyển dụng sẽ chia sẻ rằng “Chúng tôi thực sự muốn bạn gia nhập tổ chức, vì vậy chúng tôi đã đưa ra mức lương đề nghị tốt nhất”. Nếu không có ý định từ chối con số đó, khá rủi ro khi cố giành lấy một khoảng lương cao hơn. Hành động này khiến bạn trông như có vấn đề về thính giác, vô ý phớt lờ chia sẻ của người đối diện, hoặc bạn không thể bớt quan tâm vấn đề tiền bạc. Thực tế, các giám đốc nhân sự và chuyên viên tuyển dụng thường không trực tiếp giải thích chi tiết rằng có sự linh động nào cho mức lương đề nghị hay không.
3. Đơn giản là bạn không có lý lẽ gì khác
Nếu ở nhà bạn đã thử làm khảo sát mức lương trên thị trường, và biết rằng khoản đề nghị từ nhà tuyển dụng là hợp lý với lĩnh vực, kinh nghiệm chuyên môn, khu vực làm việc của bạn rồi thì đừng “mặc cả” thêm một cách vô lý hoặc chỉ để cho vui. Nếu bạn không thể minh chứng hay đưa ra thêm lý lẽ mạnh mẽ nào cho yêu cầu của mình, cần suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi đẩy mọi thứ đi xa hơn.
Trên tất cả mọi lời khuyên, hãy nhận thức rằng các tình huống thực tế sẽ khác nhau. Bạn cần định giá đúng bản thân và đánh giá đầy đủ những ưu khuyết điểm của việc thương lượng lương. Nghĩ xem mình thực sự cần bao nhiêu tiền hoặc mong muốn có việc thế nào. Và một khi đã quyết định theo đuổi mức lương cao, hãy chuẩn bị một phần trình bày thật rõ ràng nhằm thuyết phục công ty tương lai rằng giá trị bạn tạo ra hoàn toàn tương xứng với yêu cầu đó.
Nguồn hình: Freepik
Để lại một bình luận