Theo dự án Luật Cán bộ công chức, có 4 nhóm việc cán bộ công chức sẽ không được làm.
Đó là: những việc liên quan đến đạo đức công vụ; những việc liên quan đến sản xuất kinh doanh; những việc liên quan đến bí mật Nhà nước; những việc liên quan đến bố trí nhân sự trong cơ quan, tổ chức được giao lãnh đạo quản lý.
Ngày 7/9, dự án Luật Cán bộ công chức đã được Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức lấy ý kiến. Dự luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 1/2008 và dự kiến tiếp tục thảo luận, thông qua vào kỳ họp tới đây.
Gồm 10 chương, 108 điều, dự luật này điều chỉnh về cán bộ công chức, chế độ bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ công chức và điều kiện bảo đảm thực thi công vụ. Theo đó, đội ngũ cán bộ công chức sẽ bị thu hẹp hơn so với hiện nay và được phân loại rõ ràng.
TS. Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), nói dự án Luật Cán bộ công chức không điều chỉnh đối với đội ngũ viên chức làm việc trong các tổ chức sự nghiệp công lập.
Theo đó, gần 1,5 triệu người (chiếm khoảng 72% tổng số cán bộ công chức hiện nay là 1.971.172 người) sẽ được tách khỏi đội ngũ cán bộ công chức hiện tại để điều chỉnh bằng một chế độ pháp lý khác. Đây được xem là một bước cải cách mạnh mẽ trong lịch sử hơn 60 năm của nền công vụ Việt Nam.
Theo số liệu do UNDP cung cấp, ước tính có từ 60 – 70% công chức Việt Nam chưa qua đào tạo về chuyên môn quản lý Nhà nước.
Thảo luận về các điểm mới của dự luật, hiện nhiều ý kiến băn khoăn về việc các cán bộ được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị xã hội và công chức các cơ quan sự nghiệp thì được đồng thời thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, mở bệnh viện tư, trường học tư. Những người này được phân biệt rõ ràng với cán bộ công chức làm việc trong cơ quan Nhà nước và nhân danh quyền lực Nhà nước.
Trong khi đó, hai dạng công chức này đều là chuyên viên, cán bộ quản lý với nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm luật định như nhau. Những người công tác trong cơ quan Nhà nước thì bị cấm làm những việc liên quan đến sản xuất kinh doanh, còn những người làm việc trong cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội lại được phép.
Để lại một bình luận